Theo số liệu Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam vừa công bố, trong nửa đầu tài khóa 2018 (từ tháng 4/2018 đến tháng 9/2018), chưa hiệp định vốn vay ODA nào tại Việt Nam được ký kết mới. Tổng giá trị vốn vay đã giải ngân trong giai đoạn này là 23,38 tỷ yen.
Từ tháng 10/2017, mức độ ưu đãi của các điều khoản và điều kiện sử dụng ODA Nhật Bản tại Việt Nam thay đổi, do Việt Nam được xếp vào nhóm nước có “thu nhập trung bình thấp”. Dù vậy, JICA khẳng định mức tăng lãi suất khá nhỏ, yếu tố không hoàn lại trong vốn vay vẫn cao và ưu đãi cũng hấp dẫn hơn so với các nhà tài trợ quốc tế khác.
Cơ quan này cho biết có thể tiếp tục cấp các khoản vay ODA cho Việt Nam đến khi tốt nghiệp hạng mục “thu nhập trên trung bình” (Tổng thu nhập quốc dân - GNI bình quân trên 12.235 USD). Vì vậy, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng các khoản vay ODA của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ tới.
JICA hiện hỗ trợ Việt Nam trong nhiều dự án, tập trung vào ba mục tiêu - Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và Tăng cường quản trị nhà nước. Cơ quan này cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường hỗ trợ các dự án hợp tác kỹ thuật tại Việt Nam, thay vì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trả lời câu hỏi về sự cố hư hỏng tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới đây, JICA khẳng định việc này không ảnh hưởng đến quá trình Nhật Bản cân nhắc vốn vay ODA sắp tới cho Việt Nam. Đây là dự án có sử dụng vốn vay ODA của JICA.
Dù vậy, họ tiếp tục lo ngại về vấn đề chậm thanh toán tại các dự án ODA ở Việt Nam. Điển hình là Dự án đường sắt đô thị TP HCM - Tuyến số 1 (Metro số 1) và một số dự án khác do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ quản.
Nguyên nhân một phần là nợ công được giới hạn tại 65% GDP, khiến Chính phủ ngần ngại giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài. Thứ hai là Luật ngân sách Nhà nước năm 2015, quy định mức trần vay tối đa trong một năm với các dự án ODA. Đến năm 2016, kế hoạch đầu tư công trung hạn được phê duyệt càng khiến việc kiểm soát nợ công càng được thắt chặt.
Ngoài chậm giải ngân, JICA còn lo ngại về quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án ODA. Đó là chậm nhận được phê duyệt từ các cơ quan Chính phủ và chậm giải phóng mặt bằng.
Cơ quan này kỳ vọng Chính phủ sớm đưa ra biện pháp giải quyết sự chậm trễ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các dự án cũng cần cải thiện độ chính xác trong việc dự báo nhu cầu vốn, tính hiệu quả của các hoạt động hành chính và tính linh hoạt, kịp thời trong việc giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Nhật Bản cũng sẽ nỗ lực đẩy nhanh thủ tục các dự án ODA ở mọi giai đoạn.
Hà Thu