Báo cáo tại "Hội thảo đánh giá hoạt động Thông tin Điện tử năm 2020", ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết trong năm 2020, những mạng xã hội xuyên biên giới lớn, như Facebook, YouTube, TikTok tiếp tục ảnh hưởng đến truyền thông xã hội trong nước. Cơ quan chức năng đã tăng cường làm việc với các nền tảng này để chặn, gỡ các tài khoản mạo danh hoặc đưa thông tin sai sự thât.
Cụ thể trong năm 2020, Facebook đã gỡ 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức. 100% tài khoản giả mạo Bộ Y tế đưa tin giả về Covid-19 được ngăn chặn. 330 fanpage về quảng cáo game, cờ bạc, đổi thưởng và 2.200 đường link quảng cáo cho hoạt động buôn bán, dịch vụ bất hợp pháp bị gỡ.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, khẳng định Việt Nam đứng số một thế giới về số lượng tài khoản và bài viết bị Facebook xử lý trong năm qua.
Ngoài Facebook, Cục cũng hợp tác YouTube để ngăn chặn các kênh video vi phạm thuần phong mỹ tục, hạn chế bật chức năng kiếm tiền của những nội dung nhảm nhí. Trong đó, 29.009 video vi phạm đã bị gỡ bỏ, 24 tài khoản phản động, với hàng nghìn video nội dung không phù hợp bị xoá khỏi nền tảng này.
Điển hình có tài khoản YouTube bị xử phạt đến hai lần một tháng như kênh của Nguyễn Văn Hưng ở Bắc Giang. Video của Hưng bị đánh giá là cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm quy định về hành vi trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính người này 17,5 triệu đồng, bên cạnh đó, YouTube cũng giới hạn chức năng bật quảng cáo kiếm tiền của kênh này.
Theo ông Lê Quang Tự Do, trước đây YouTube chỉ gỡ hoặc chặn quảng cáo những kênh thuộc các đối tượng bị pháp luật truy tố, như Khá Bảnh, Dũng Trọc, nhưng giờ, chỉ cần đăng video nội dung nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục là YouTube sẽ xử lý, không phải chờ đến khi pháp luật can thiệp.
Mạng xã hội mới nổi TikTok cũng bắt đầu có ảnh hưởng tại Việt Nam. "TikTok hoạt động theo luật pháp nước sở tại, tuân thủ quy định của cơ quan chức năng, ngược hoàn toàn với các mảng xã hội xuyên biên giới trước đây", ông Lê Quang Tự Do nhận xét. Theo ông Do, sự xuất hiện của TikTok đang phá vỡ thế độc quyền của Facebook, YouTube.
Với mạng xã hội trong nước, năm 2020 Việt Nam chỉ có thêm 4 mạng xã hội được cấp phép. Việt Nam hiện có khoảng 94 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó, Facebook và YouTube là hai nền tảng có lượng người dùng lớn nhất, mỗi nền tảng có hơn 60 triệu người dùng thường xuyên. Doanh thu từ các mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam năm nay tăng 11,8% so với năm ngoái, ước tính sẽ đạt 12.000 tỷ đồng.
Khương Nha