Mấy ông anh họ của tôi ở quê, do làm nông lại ở quanh quẩn xóm ấp nên ít có cơ hội mở rộng mối quan hệ. Nhưng ai cũng có cho mình những anh em chí cốt, gọi là "bạn nhậu".
Nông lịch thì họ có thể quên, nhưng nay nhà chú Sáu có đám giỗ, nhà anh Tư có thôi nôi cháu nội... thì họ nhớ như tạc vào lòng... vì hôm đó được nhậu để "dãn gân cốt". Dãn gân cốt đâu thì tôi chẳng thấy, chứ trong người ai cũng kể có ít nhất một chứng bệnh do ăn nhậu nhiều, một lần té xe do say xỉn.
Các anh hỏi tôi, dưới quê muốn gầy kèo nhậu cũng khó nên trông chờ đám tiệc, còn ở thành phố thì sao? Tôi nói các anh khỏi lo, lên tới thành phố không cần biết đường, nhắm mắt là chạy cũng tìm được quán nhậu.
Thật vậy, ở Việt Nam có quá nhiều quán nhậu. Bạn chỉ cần mở Google Maps lên, soi một tuyến đường bất kỳ thì sẽ thấy tên các quán nhậu, lẩu, nướng, bò, hải sản... mọc như nấm.
Không có số liệu nào thống kê chính xác số lượng quán nhậu, nhưng ta có thể dựa vào khảo sát nhanh trên Google Map và lượng bia rượu tiêu thụ ở Việt Nam, cũng phần nào thấy được bức tranh toàn cảnh.
Nếu đóng vai một nhà xã hội học nghiệp dư, buổi tối, bạn có thể đi "điền dã" vài tuyến đường thì sẽ thấy thực tế hơn. Những "cung đường bia bọt" nổi tiếng có thể kể đến như: Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa - Trường Sa, Xô Viết Nghệ Tĩnh...
Vì sao quán nhậu nhiều?
Thứ nhất, vì nhiều người Việt thích nhậu: vui, buồn, tâm sự, ngoại giao, giao tiếp, làm ăn, công việc... nhân viên văn phòng, xe ôm, công nhân, giáo viên, từ già đến trẻ ai cũng có thể nhậu. Có lẽ tôi không cần phải nói gì thêm để biện minh cho những lý do ăn nhậu của chúng ta. Nhiều tác giả khác đã phân tích rồi.
Thứ hai, như một tác giả khác đã chỉ ra: "khởi nghiệp" bằng việc mở quán nhậu là điều dễ làm nhất.
Ở các nước, người dân họ cũng đi nhậu nhưng khác với chúng ta. Họ đến bar, club để uống rượu bia và chỉ đến vào dịp cuối tuần. Và điều quan trọng là chẳng ai lấy ly bia, chén rượu ra làm thước đo tình cảm bạn bè hay xả giao công việc hết.
Từ lúc cơ quan chức năng siết chặt các biện pháp kiểm tra nồng độ cồn, các chủ quán nhậu than trời vì vắng khách, tôi thấy nhiều người nói quán nhậu giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều người.
Tôi không phủ nhận giá trị của một ngành nghề kinh doanh nào, nhưng đừng đánh đồng kinh tế dựa trên các quán nhậu. Bởi lợi ích thiểu số nhưng tai hại cho đa số, gây ra các hệ quả xấu về lâu dài là những tác hại rất lớn.
Nhiều người nói một tuần nên làm việc ít lại, có hai ngày cuối tuần nghỉ ngơi. Nhưng liệu họ có nghỉ ngơi thật sự không hay lại giải sầu ở quán nhậu. À mà thật ra, những ngày trong tuần, có lúc nào tôi thấy quán nhậu vắng đâu...
Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.