Thông tin này được ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết tại họp báo sáng 30/11.
Theo ông Hải, việc Việt Nam có gian hàng quốc gia tại một sàn thương mại điện tử nước ngoài nhằm tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp Việt và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi kinh doanh tại thị trường nước sở tại.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu của hàng Việt và là thị trường thương mại điện tử phát triển, quy mô lớn hàng đầu khu vực. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 50 tỷ USD sang thị trường này.
Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây. Theo số liệu của Trung Quốc, nước này nhập khẩu từ thị trường nước ngoài qua kênh thương mại điện tử khoảng 570 tỷ NDT vào năm 2020, tăng 16,5%.
JD.com là một trong số sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc với doanh thu gần 31,6 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2021, tăng 39% so với cùng kỳ. Sàn thương mại điện tử này có mô hình đa dạng, từ cửa hàng tiện lợi, siêu thị tới sàn thương mại điện tử; cùng hàng chục nghìn kho bãi trải rộng khắp Trung Quốc.
Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đã là phương thức kinh doanh phổ biến ở nhiều quốc gia. Để xuất khẩu trên nền tảng này thuận lợi vào thị trường tỷ dân của Trung Quốc, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số lưu ý, doanh nghiệp cần chọn lựa sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt các quy định về xuất nhập khẩu, thương mại điện tử và có kinh nghiệm vận hành thương mại điện tử ở nước ngoài; chủ động phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, doanh thu thương mại điện tử đạt 11,8 tỷ USD, tăng 18% so với 2019 và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng hai con số.
Anh Minh