Cổng thông tin thương mại điện tử iPrice phối hợp cùng SimilarWeb, AppsFlyer công bố báo cáo tác động của đại dịch lên ngành thương mại điện tử Việt Nam năm 2020. Trong đó, top 10 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập website trung bình cao nhất năm qua tại Đông Nam Á ghi nhận đến 5 doanh nghiệp nội địa Việt Nam gồm Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop.
Năm đại điện còn lại trong danh sách có hai "ông lớn" Shopee, Lazada và ba startup "kỳ lân" của Indonesia là Tokopedia, Bukalapak và Blibli. Tuy nhiên, cách biệt về lượt truy cập của top 3 dẫn đầu so với các doanh nghiệp còn lại (bao gồm 5 doanh nghiệp Việt Nam), vẫn còn khá cao.
Thế Giới Di Động giữ thứ hạng 5 trong các website thương mại điện tử Đông Nam Á với lượt truy cập trung bình năm là 28,6 triệu, chỉ cách Bukalapak 7 triệu lượt. Nếu tính riêng thị trường trong nước, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp nội địa nằm ở vị trí thứ hai trong suốt cả năm 2020.
Nằm ở vị trí thứ 6, Tiki vượt qua Blibli trở thành điểm sáng của doanh nghiệp Việt với 22,5 triệu lượt truy cập trong bảng xếp hạng lượt truy cập trung bình trong khu vực. Theo sau đó là Sendo với 14,3 triệu lượt truy cập và xếp hạng thứ 8. Ở báo cáo quý II/2019, tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều nằm ở top dưới trong danh sách. Như vậy, năm 2020 đã chứng kiến việc cải thiện rõ rệt của các sàn Việt Nam.
Đồng thời, "Bản đồ Thương mại điện tử Đông Nam Á" còn ghi nhận Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia, xét về lượng truy cập. Theo đó, tổng lượt truy cập website trung bình năm 2020 của Việt Nam gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và 2 lần với Thái Lan.
"Điều này càng khẳng định mạnh mẽ tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong khu vực và kích cỡ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam", nhóm phân tích của iPrice đánh giá.
Trước đó, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô, đạt 7 tỷ USD vào năm 2020, theo sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD). Tuy nhiên, Google dự đoán, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực, với 34%.
Dưới tác động của Covid-19, báo cáo cũng cho biết các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới để đón đầu xu hướng. Hầu hết sàn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tập trung tạo ra những giá trị bổ sung, hướng đến khách hàng để thu hút và giữ chân họ trên nền tảng, ứng dụng.
Ngoài ra, báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company từng đánh giá, nhân tài là yếu tố các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực cải thiện để đảm bảo đà duy trì tăng trưởng. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước tiến tới dự báo đạt quy mô thị trường 29 tỷ USD năm 2025, bên cạnh việc đây là lĩnh vực còn mới và chưa có nhiều trường lớp đào tạo bài bản, chuyên sâu.
Do vậy, tập trung vào nguồn nhân lực, tìm kiếm và trọng dụng nhân tài có thể là một trong những yếu tố tạo "sức bật" cho các doanh nghiệp thương mại điện tử thời gian tới. "Doanh nghiệp nào sớm có sự chuẩn bị, đón đầu thị trường và thực thi chiến lược nhanh chóng sẽ giành lấy phần 'bánh' lớn hơn. Tuy vậy, việc chắp bút vẽ lại thị phần của thị trường thương mại điện tử không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được", iPrice nhận định.
Viễn Thông