Thông tin được Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Hội thảo Quốc tế Già hóa Năng động, Sáng tạo và Ứng dụng Công nghệ trong Chăm sóc Người cao tuổi ASEAN, khai mạc ngày 19/11.
Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Mỗi quốc gia đều đang chứng kiến sự tăng trưởng về cả quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số. ASEAN hiện có hơn 45 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 7% tổng dân số ASEAN năm 2019. Dự báo số người cao tuổi sẽ tăng lên 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số ASEAN vào năm 2050.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số, 30 năm nữa tỷ lệ già lên đến hơn 20%. "Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới", Thứ trưởng nói. Tình trạng dân số già ảnh hưởng đến lực lượng lao động, tạo gánh nặng an sinh xã hội và gia đình, chăm sóc y tế...
Đặc điểm dân số già ở Việt Nam là nữ cao tuổi nhiều hơn nam, gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người già sống một mình. Hơn 72% người già sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống (tam đại đồng đường) sang gia đình hạt nhân (vợ chồng và con cái). Nhiều người già phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già.
Các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam cần có chiến lược sức khỏe và thúc đẩy già hóa khỏe mạnh trong suốt vòng đời, nhấn mạnh vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc phòng ngừa; phối hợp chăm sóc y tế và chăm sóc phi y tế (chăm sóc xã hội). Phát triển nguồn nhân lực và lao động hợp lý, đầy đủ và được đào tạo để đáp ứng nhu cầu chăm sóc đa dạng của người cao tuổi.
Đề cương Luật Dân số đang được Bộ Y tế trưng cầu ý kiến cũng đề xuất các biện pháp thích ứng với già hóa dân số, dân số già. Ví dụ, lập quỹ dưỡng lão để hỗ trợ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi theo nguyên tắc đóng - hưởng. Chăm sóc dài hạn người cao tuổi thực hiện theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Phát triển ngành lão khoa, viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc ban ngày kết hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng. Đào tạo nguồn nhân lực y tế về chăm sóc dài hạn người cao tuổi, bác sĩ chuyên ngành lão khoa.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam chủ động thích ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật.
Năm 2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định thành lập ACAI như một sự chủ động thích ứng với già hóa dân số, hỗ trợ các quốc gia thành viên hoạch định, thực thi chính sách về già hóa năng động và sáng tạo.