Tại cuộc họp trực tuyến 63 tỉnh thành về phòng chống Covid-19 sáng 23/12, Bộ trưởng Long cho biết đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu, đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng nCoV, để xem khả năng lây truyền hay khả năng xâm nhập.
"Hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến tương tự tại Anh", ông Long nói.
Bộ trưởng cũng cho biết biến chủng nCoV tại Anh làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Tuy nhiên chưa có ghi nhận nào cho thấy biến chủng này làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Song, giới khoa học vẫn lo ngại về biến chủng của virus ở Anh, trong bối cảnh mùa đông năm nay khốc liệt với thế giới khi mỗi ngày vẫn ghi nhận 500.000-600.000 ca mắc mới. Nhiều nước tiến hành phong tỏa với Anh, không tiếp nhận các chuyến bay, công dân Anh hay các hình thức khác nhập cảnh Anh.
"Việt Nam cũng không lơ là, mà phải siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cuối tháng 7, chỉ vài ngày sau khi khởi phát Covid-19 tại Đà Nẵng, kết quả phân tích gene nCoV từ các bệnh nhân Đà Nẵng cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận, song không như đợt này ở Anh, theo Bộ trưởng Long.
Thuật ngữ "chủng biến thể" được sử dụng để chỉ các biến thể virus có một số thay đổi về trình tự gene so với bản gốc được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12/2019. Sự biến đổi về trình tự gene của virus là hiện tượng tự nhiên, do trong quá trình lây nhiễm, sinh sản, virus đã sao chép bộ gene của chính mình và tạo lỗi.
Biến thể nCoV ở Anh được gọi là B.1.1.7, được phát hiện vào đầu tháng 9. Vào tháng 11, khoảng một phần tư ca nhiễm ở London là do biến thể mới gây nên. Đến giữa tháng 12, số ca nhiễm do chủng này chiếm gần 2/3 tổng số ca nhiễm.