Trả lời báo chí bên lề hội nghị COP28, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu môi trường và năng lượng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu cụ thể và tham vọng sau hai năm cam kết "đạt net zero năm 2050".
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 nêu mục tiêu dài hạn phát thải carbon thấp, đảm bảo phát thải ròng bằng 0 sau 27 năm nữa. Chính phủ Việt Nam đưa ra kế hoạch hành động triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030, nhằm quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên, không làm mất rừng và suy thoái đất; kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 nhằm giảm phát thải trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan lĩnh vực giao thông cũng được đưa ra. Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo.
Tại COP28 ở Dubai (UAE), Việt Nam và nhóm đối tác G7, EU, Đan Mạch và Na Uy (nhóm đối tác IPG) đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
"Những kết quả đạt được của Việt Nam tại COP28 sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Các nỗ lực này đóng vai trò quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, phục hồi tự nhiên và đa dạng sinh học", ông Lai đánh giá.
Theo đại diện UNDP để thực hiện thành công cam kết phát thải ròng bằng 0 năm 2050, Việt Nam cần tránh được bẫy của nước thu nhập trung bình và nền kinh tế dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, trình độ nhân lực chưa cao. Chính phủ cần có kế hoạch đầu tư lớn phát triển hạ tầng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam phải chuyển toàn bộ nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, ít phát thải carbon. "Để làm được như vậy đòi hỏi đầu tư rất lớn", ông Lai nói và cho rằng riêng đầu tư phát triển ngành điện tái tạo Việt Nam đến năm 2030 cần đến 134,5 tỷ USD.
Như vậy, số tiền 15,5 tỷ USD được nhóm đối tác IPG và Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ) cam kết huy động cho chuyển dịch năng lương công bằng ở Việt Nam chỉ đóng góp "một phần nhỏ" trong tổng số vốn mà Việt Nam cần.
Ông Lai đề xuất Việt Nam nên đầu tư mạnh và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các dự án điện gió ngoài khơi, pin mặt trời, thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon, hydro xanh... Nguồn nhân lực cấp cao, kỹ sư cho ngành kinh tế xanh, năng lượng tái tạo cũng cần được đào tạo đáp ứng nhu cầu.
Các tập đoàn lớn thế giới coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn đầu tư vào kinh tế xanh, tuần hoàn, ít phát thải carbon, công nghệ cao. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, an toàn.
Tuyên bố JETP của Việt Nam nêu bốn khía cạnh, trước tiên là đảm bảo cơ chế cung cấp điện giá phải chăng, nhất là với người thu nhập thấp và nhóm dễ bị tổn thương. Thứ hai, quá trình chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cần hỗ trợ công nhân và nhóm yếu thế, có biện pháp bảo trợ xã hội với người không có khả năng đào tạo lại hoặc không tham gia vào lĩnh vực năng lượng mới. Thứ ba, chuyển dịch năng lượng phải đảm bảo phát triển kinh tế địa phương, người dân hưởng lợi mà không bị ảnh hưởng sinh kế. Thứ tư, tất cả các bên cần tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng.
"Tăng cường năng lực, cải cách thể chế, khai thác cơ hội chuyển đổi của toàn bộ nền kinh tế, Việt Nam có thể đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050 và chuyển đổi năng lượng bền vững", ông Đào Xuân Lai kỳ vọng.
Ông Noel Quinn, Tổng giám đốc toàn cầu Tập đoàn HSBC, nói rất tâm đắc và hiểu tầm nhìn của Việt Nam trong lộ trình thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu. HSBC sẽ nỗ lực đóng góp thực hiện tầm nhìn này.
HSBC được truyền cảm hứng bởi kế hoạch quốc gia chuyển đổi xanh của Việt Nam và "sẽ nỗ lực hết mình giúp Việt Nam thành công trên con đường này".
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị COP28 tại Dubai (UAE) từ 30/11 đến 3/12, với nhiều hoạt động quan trọng.
Chiều 1/12, Thủ tướng công bố JETP giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG), đề nghị các bên liên quan sớm đạt thỏa thuận để chuyển số tiền 15,5 tỷ USD cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng công bằng.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 ngày 2/12, Thủ tướng đề nghị các nước thu hẹp khoảng cách giữa cam kết và hành động để ứng phó biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước đang Phát triển (G77) về biến đổi khí hậu, Thủ tướng nêu ba định hướng ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó đưa khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt.