Ngày 22/10, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo "cơ sở lý luận và thực tiễn xác định, tổ chức thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước trong văn kiện đại hội XIII của Đảng".
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 xác định ba khâu đột phá, gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ
Đến nay việc thực hiện chủ trương trên đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược chưa thật sự quyết liệt và thiếu đồng bộ. Việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế tuy đã đạt kết quả bước đầu, song sự phân biệt đối xử vẫn tồn tại dai dẳng, khó xóa bỏ và đang là rào cản lớn đối với sự phát triển.
Những căn bệnh cũ của nền hành chính Nhà nước vẫn chưa được khắc phục; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu là một trong những nguyên nhân làm mất lòng tin của nhân dân. Còn đột phá về nguồn nhân lực thì giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển...
"Dự thảo văn kiện Đại hội XIII nêu ba đột phát chiến lược vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng giai đoạn phát triển", ông Phúc cho hay.
PGS.TS Trần Quốc Toản (Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương) cho rằng, phát triển nguồn nhân lực là "đột phá của mọi đột phá".
Theo ông, có con người đột phá thì sẽ có được tư duy đổi mới, thể chế phát triển, "nếu không thì không thể làm được". Khâu đột phá tiếp theo là "tư duy phát triển", vì bối cảnh hiện nay có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn 1986. Đó là bối cảnh quốc tế phức tạp, trong khi đất nước đang chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng theo chiều sâu. Giai đoạn phát triển mới đòi hỏi phải có bứt phá trong tư duy.
Khi đổi mới tư duy đã mở đường thì thể chế sẽ phát triển đồng bộ, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Trong đó, thể chế chính trị đóng vai trò chủ đạo, tạo nền móng cho sự phát triển; còn thể chế kinh tế đóng vai trò trung tâm của sự phát triển; thể chế văn hóa xã hội điều tiết, đảm bảo sự phát triển hài hòa.
Ngoài ra, ông Toản cho rằng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng phải được xem là khâu đột phá, để nâng cao năng suất, chất lượng và tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường thế giới.
Đồng tình, GS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học cho rằng, muốn đột phá thì phải có con người đủ năng lực, đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là giới tinh hoa. "Không có tầng lớp tinh hoa thì đừng nói đến cách mạng nào hết, kể cả tinh hoa trong nghiên cứu khoa học và trong các cơ quan đầu não", ông nói.
Theo TS Nguyễn Tú Anh (Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương), trong đột phá nhân lực thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bộ máy nhà nước hết sức quan trọng. Tuy nhiên, những chuyên viên trong bộ máy đang hưởng lương 5 triệu đồng một tháng, "không bằng lương công nhân ở một tập đoàn lớn".
"Thuê nhân lực lương 5 triệu đồng mà đòi hỏi chính sách chất lượng như châu Âu thì không thể làm được, vì đội ngũ trong bộ máy không đủ động lực, toàn tâm toàn ý cho công việc. Trong đợt Covid-19 vừa qua, hai lần tôi đề nghị cắt gì thì cắt nhưng đừng cắt tiền lương song không được", ông Tú Anh nói.
Theo ông, ở Hàn Quốc, Trung Quốc, nhiều người giỏi vào khu vực công, nhưng Việt Nam hiện nay, người giỏi đều đi ra ngoài nhà nước. Đơn cử lĩnh vực ngân hàng, những năm gần đây, hàng chục người của Ngân hàng nhà nước đã ra ngoài làm cho ngân hàng thương mại.
Kết quả hội thảo là cơ sở để Ban chủ nhiệm đề tài và Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương xây dựng báo cáo tư vấn trình Tiểu ban Văn kiện đại hội XIII của Đảng.
Bốn dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng được công bố toàn văn, xin ý kiến nhân dân từ hôm nay 20/10. Trong đó, dự thảo báo cáo chính trị đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể.