-
8h30
Phiên hiến kế về khởi nghiệp và các mô hình kinh doanh mới
Hội thảo bắt đầu lúc 8h30 với sự chủ trì của ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Đình Cung -Viện trưởng Viện quản lý kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin & Truyền thông.
-
8h35
Phát biểu khai mạc: PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Bắt nhịp với những diễn biến nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những cách thức ứng phó phù hợp mà Việt Nam đưa ra là đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được Đảng và nhà nước Việt Nam rất quan tâm.
Văn kiện đại hội 12 của Đảng khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng.
Hội nghị Trung ương V khoá 12 đã ban hành nghị quyết số 10 phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân cho thấy sự cạnh tranh lành mạnh của hoạt động khởi nghiệp, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam với nền tảng là các doanh nghiệp tư nhân có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới đã trở thành hướng đi đúng đắn.
Thời gian qua, số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư như quỹ đầu tư mạo hiểm của tập đoàn Vingroup, với những vườn ươm tiêu biểu như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hoà Lạc, vườm ươm doanh nghiệp CNC TP HCM, vườm ươm Đà Nẵng, trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các start up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2017.
Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng ngày càng tăng. Số lượng và hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần có xu hướng tăng, đã có tính hệ thống hơn, phát triển các hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Những thành quả ban đầu đó trước hết là do tiềm năng con người Việt Nam được đánh thức thông qua những chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về phát huy sức mạnh kinh tế tư nhân, là quyết tâm của chính phủ xây dựng thành công chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số.
Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm, khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.
Tại hội thảo này, chúng ta sẽ cùng trao đổi và lắng nghe các ý kiến, tập trung phát hiện và kiến nghị tháo gỡ các rào cản, nút thắt để kinh tế tư nhân phát triển bứt phá, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, tìm ra giải pháp tạo đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp thành công.
Hôm nay, chúng ta sẽ tập trung bàn về các vấn đề sau đây:
- Một là trên thế giới hiện có phương thức mô hình kinh doanh mới nào, mô hình nào cần thiết và phù hợp với Việt Nam, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, mô hình nào phục vụ tốt nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Đây là động lực quan trọng cho phong trào khởi nghiệp quốc gia.
- Hai là, xu hướng ứng xử của các quốc gia với các mô hình kinh doanh mới trong thời đại số, làm rõ quan điểm về cơ chế và chính sách phù hợp, chấp nhận cái mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu.
- Ba là những giải pháp khuyến khích các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam với 6 nội dung cơ bản liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp bao gồm xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia, tối ưu hoá môi trường pháp lý, tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển, tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp.
- Bốn là đảm bảo nguồn vốn thường xuyên để phát triển, tháo gỡ nút thắt về cơ chế tài chính.
-
8h45
Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành, phát triển cầu nối giữa khu vực tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đây là năm đầu tiên sau khi nghị quyết TW5 khóa 10 và nghị quyết 98 của chính phủ, nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Chính phủ và ban kinh tế Trung ương đã đồng tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân với trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo nghị quyết 10 của hội nghị TW5 khóa 12 và nghị quyết 98 của Chính phủ.
Hội nghị sẽ là kênh tham vấn đối với chính sách công – tư, liên tục, chặt chẽ nhằm phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về khởi nghiệp sáng tạo và phương thức ứng xử với mô hình kinh tế mới. Những khái niệm này là những khái niệm mới nhưng lại rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội bền vững.
Cụ thể hơn, những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hiểu là những doanh nghiệp mà nguồn lực chủ yếu bằng phát triển công nghệ, là công nghệ, là tri thứ và sáng tạo, hướng tới phát triển nhanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, có những sản phẩm, có các dịch vụ mô hình kinh tế mới nhằm đa dạng hóa, số hóa các sản phẩm, dịch vụ thương mại, tài chính, sản xuất, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số mà các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực để có được thành tựu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dưới góc độ của Bộ KHCN, chúng tôi được giao chủ trì xây dựng và phát triển một môi trường bền vững và thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua cách tiếp cận xây dựng một hệ sinh thái bao quanh, hỗ trợ những doanh nghiệp này và đề án 884 đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm, đi đúng với chỉ đạo của Đảng, chính phủ trong việc kiến tạo môi trường pháp lý, kỹ thuật để đạt mục tiêu quốc gia khởi nghiệp. Điều này bao gồm việc xây dựng và liên kết các thành phần hỗ trợ, đầu tư, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như tăng cường kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Những kết quả ban đầu về một hệ sinh thái cơ bản hoàn thiện cùng con số thu hút cho khởi nghiệp sáng tạo rất ấn tượng như thông báo của ông Nguyễn Hồng Sơn đã nêu với số liệu 890 triệu USD, gấp ba lần năm trước, đã phần nào chứng minh tính đúng đắn này.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã thu hút mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu và năm 2018 thì đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu đã tới Việt Nam tham dự sự kiện Ngày hội khởi nghiệp quốc gia 2018. Đây là dấu ấn khẳng định hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã và đang đi cùng khởi nghiệp trên thế giới. Chúng tôi hi vọng trong năm nay sẽ tiếp tục mời được Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu tham dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia 2019.
Từ khi Bộ KHCN được chính phủ giao tổ chức 4 năm liền, từ 2015 đến 2018, các ngày hội khởi nghiệp quốc gia đã thu hút, lôi kéo hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, nhất là khởi nghiệp sáng tạo ngày càng phát triển và khẳng định là chúng ta đã đi cùng với khởi nghiệp trên toàn thế giới. Ngày hội khởi nghiệp quốc gia sẽ được tổ chức vào 11/2019 tại Quảng Ninh và đây là một địa điểm sẽ thu hút được các hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới, thu hút đầu tư, các đối tượng mong muốn khởi nghiệp tham dự.
Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án 844 và bộ KHCN đang tích cực triển khai đề án này với hy vọng chương trình đó sẽ hỗ trợ phát triển cho các đối tượng tham gia khởi nghiệp. Các cổng thông tin kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đã được hình thành, trở thành cầu nối cho tất cả thành viên khởi nghiệp tại Việt Nam thời gian qua.
2019 sẽ tiếp tục là năm trọng tâm thực hiện nhà nước kiến tạo, chính phủ hành động. Cộng hưởng với các nỗ lực nhằm tháo gỡ vướng măc về thể chế của các Bộ, các ngành trong giai đoạn 2016-2018, đặc biệt là các nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, tăng cường cơ chế hỗ trợ, giúp cho môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng.
-
8h55
Bắt đầu thảo luận và hiến kế của khu vực tư nhân
-
9h00
Bắt đầu thảo luận: Xu hướng "ứng xử" của các quốc gia với những mô hình kinh doanh mới trong thời đại số
Trả lời câu hỏi định nghĩa thế nào về mô hình kinh doanh mới, ông Phạm Hồng Quất cho rằng những mô hình kinh doanh mới có khả năng nhân rộng phải là những mô hình tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới. Bản chất của mô hình mới này không dựa trên giá rẻ mà phải dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ mới, khẳng định được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghệ. Bản thân bảo hộ sở hữu trí tuệ đã là thước đo về khả năng phát triển bền vững. Bài học từ Israel, Singapore và các nước khác cho thấy họ đều quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, mức độ phạm vi bảo hộ phải mang tính toàn cầu.
Trong 3 năm qua, từ khi Thủ tướng phát động chương trình quốc gia khởi nghiệp, được sự hưởng ứng của nhiều bộ ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo..., hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đi vào thực chất, chứ không còn là phong trào hay tạo công ăn việc làm nữa mà hướng đến làm giàu, tạo ra những thị trường có những ứng dụng mới. Nguồn vốn không cần nhiều nhưng khả năng tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao có sự cạnh tranh rất lớn từ các thị trường bên cạnh, chúng ta cần có những giải pháp mới liên quan đến ba thứ: cấp phép nhanh cho các sản phẩm mới đưa ra thị trường, huy động nguồn vốn nhanh để chiếm lĩnh thị trường và thứ ba là các giải pháp liên quan tới phát triển thị trường xuất khẩu, ở chừng mực nào đó bảo vệ thị trường trong nước trước những sản phẩm bên ngoài.
-
9h08
Đề án thí điểm xe công nghệ của Bộ GTVT là một trong những mô hình sandbox thành công nhất của Bộ.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng mô hình kinh doanh mới có thể hiểu là mô hình kinh doanh những gì mà trước nay chưa làm. Xét về khía cạnh tư duy, công nghệ thì mô hình kinh doanh mới áp dụng công nghệ để tạo ra sự khác biệt.
Mô hình kinh doanh mới cũng mở ra phân khúc thị trường chưa có tiền lệ. Tính ưu việt khi dùng công nghệ vào mô hình kinh doanh mới giúp tính cạnh tranh cao. Có một số doanh nghiệp cho rằng mô hình kinh doanh mới phá hủy kinh doanh truyền thống nhưng cá nhân tôi lại có góc nhìn khác. Nhưng ông Nghĩa cho rằng mô hình kinh doanh mới có áp dụng công nghệ tạo ra cạnh tranh cao. Chẳng hạn Uber có kết hợp giữa thương mại điện tử với vận chuyển. Và đề án thí điểm xe công nghệ của Bộ GTVT là một trong những mô hình sandbox thành công nhất của Bộ.
-
9h20
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn thiếu nhiều
Theo ông Nguyễn Đình Cung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là không gian mà chúng ta gọi là cách mạng 4.0, tạo ra những cơ hội suy nghĩ khác và làm khác để đạt được các mục tiêu.
Nếu chúng ta cứ đi theo châu Âu một cách tuần tự thì ta luôn đi sau, khởi nghiệp sáng tạo là cách để chúng ta làm khác. Chúng ta làm theo quy định, tiến theo quy trình là làm theo cái cũ, không bao giờ có đổi mới sáng tạo. Những gì chúng ta nói ở đây là phải thay đổi một cách căn bản với sự tham gia của chính phủ chứ không phải chỉ vài ba bộ ngành.
Hệ sinh thái của chúng ta đang thiếu rất nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc, như doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa biết làm gì, mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể. Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo. Ứng xử với nó theo tôi là đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không phải nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, mà quản lý phải vì phát triển. Start up sẽ tin rằng khó khăn của mình sẽ được giải quyết.
-
9h35
Cần khuyến khích các công ty đi ra khởi Việt Nam
Ông Trần Ngọc Thái Sơn cho rằng khởi nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị đạn dược. Các công ty khởi nghiệp ngày càng giỏi lên, tuy nhiên có vấn đề lớn là nguồn vốn và đây cũng là khó khăn trong cả thập kỷ qua.
Khó khăn khi gọi vốn là nhà đầu tư đều đặt câu hỏi về lợi nhuận, làm sao thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường mà công ty lên sàn rất khó khăn. Các sàn chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng.
Khi nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ nhìn vào quy mô thị trường và Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhưng chưa đủ lớn, chưa đạt mức nghìn tỷ USD. Cần khuyến khích các công ty đi ra khỏi Việt Nam, hướng tới thị trường Đông Nam Á với quy mô hơn 2.000 tỷ USD và lớn hơn nữa.
Nhưng mang vốn ra nước ngoài đầu tư là vấn đề nhạy cảm mà nhà nước luôn phải cân đối giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài.
-
9h47
Tại sao các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào start up Việt Nam?
Bà Linh Phạm, đại diện của Logivan, đặt câu hỏi tại sao các nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào các start up mới ở Việt Nam? Các start up ở Việt Nam vẫn còn trở ngại liên quan tới tiếng Anh. Tiếng Anh là rào cản lớn với các start up Việt Nam. Tôi nghĩ rằng việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam là yếu tố quyết định giúp ta vươn ra thế giới.
Thứ hai là cần đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo như là một môn học tại các trường đại học, cần có một giáo trình đào tạo bài bản. Thứ ba là các ngân hàng cần có chính sách tín dụng cho các founder khởi nghiệp để đi được con đường xa hơn trước khi nhận được vốn từ các nhà đầu tư thiên thần. Thứ tư là cần một bộ chuyên về start up để giải quyết các vấn đề cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
-
9h55
Nền kinh tế tư nhân phải hợp tác với chính phủ
Theo ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam, nền kinh tế tư nhân cũng phải hợp tác với chính phủ để khơi thông nguồn vốn, thu hút tinh thần khởi nghiệp, nâng cao nhận thức, đảm bảo nhiệt huyết. Grab cũng chỉ là một công ty và chúng tôi cũng mong chờ điều đó.
Chúng tôi bắt đầu là một công ty 10 người, từ Malaysia và mở rộng sang 9 quốc gia khác. Grab mong muốn hợp tác với đối tác, chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp, tận dụng kiến thức để phát triển. Hiện nay, chúng tôi đã hợp tác với chính phủ để cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư vào cơ sở để mang lại giá trị cho người dân VN.
Chúng tôi hợp tác với các cơ quan khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nguồn lực nhưng chính phủ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề định hướng. Grab bắt đầu là một công ty vận tải nhưng đã mở rộng sang giao đồ ăn, logictic... Chúng tôi muốn hợp tác với các công ty trong nước để tạo thành hệ sinh thái. Chẳng hạn trong nông nghiệp, chúng tôi nghiên cứu để đưa nông sản đến thị trường, phát triển chuỗi cung ứng dựa trên công nghệ. Đưa rau cỏ từ nông trại đến bàn ăn một cách nhanh chóng, dễ dàng, nhanh hơn, rẻ hơn, rút ngắn chuỗi cung ứng.
Để hiện thực, sẽ còn nhiều khó khăn thách thức. Grab đã thành công ty tỷ USD nhưng vẫn là công ty công nghệ, với nhiều khó khăn. Thách thức đầu tien là phản ứng từ các công ty truyền thông. Thực tế cuộc cách mạng hơi nước đã bị phản ứng về việc máy móc thay thế con người. Trong cuộc cách mạng 4.0 cũng vậy, các công ty truyền thống nghĩ rằng công nghệ chiếm mất thị phần, làm họ mất doanh thu lợi nhuận. Tại sao ta không hợp tác với nhau ? Liệu có chính sách để tạo ra sân chơi bình đằng, chính phủ đóng vai trò điều tiết? Qua đó, giảm được gánh nặng hành chính, nâng cao hiệu quả, giảm giá thành.
Khuyến khích sự phát triển của các công ty công nghệ thông qua mô hình thí điểm, từ đó kiểm chứng được tác động của nó tới xã hội, rút kinh nghiệm để điều tiết thị trường. Ngay cả khi có lợi ích rõ ràng, vẫn cần có thời gian để chính phủ kiểm chứng, hoạch định chính sách. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty và cơ quan chính phủ. Bên cạnh đó, chúng ta cần chọn lọc thông tin hữu ích, xác định đâu là yếu tố thành công.
Cần đưa vào nhiều công ty vào sandbox? Chúng ta cần xác định tiêu chí, dựa trên ngày thành lập, lĩnh vực kinh doanh, mô hình kinh doanh mới hay không. Chẳng hạn trong sandbox có hai công ty giống nhau, cùng lĩnh vực, cùng mô hình sẽ không cần thiết.
Yếu tố mấu chốt để Việt Nam có thể tăng tốc độ phát triển trong cuộc cách mạng 4.0 là dữ liệu và thước đo thành công được chia sẻ một cách minh bạch. Đảm bảo doanh nghiệp truyền thông không ngăn cản, bó buộc bởi các quy định, khuyến khích họ áp dụng công nghệ để cạnh tranh với công ty khởi nghiệp, thậm chí là hợp tác cùng nhau vì lợi ích chung. Đó gọi là siêu hệ sinh thái, đem lại giá trị cho người dân, chính phủ và thậm chí trên quy mô rộng hơn.