-
08h00
Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt" là sự kiện mở màn chuỗi diễn đàn chuyên đề trải dài từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 12, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (Vietnam Economic Forum - ViEF).
Kéo dài trong 4 giờ, diễn đàn hôm nay được kỳ vọng sẽ là nơi đưa ra lời giải cho nhiều bài toán trong lĩnh vực nông nghiệp, từ phát triển ra những thị trường nào, bán sản phẩm gì và ứng dụng công nghệ cao như thế nào. Ngoài ra, diễn đàn cũng là nơi các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra những câu chuyện truyền cảm hứng về nhiều mô hình đã thành công tại Việt Nam và trên thế giới.
Cụ thể, tại phiên một về mở rộng thị trường cho nông sản Việt, các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận tìm giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản, phân loại và xác định thị trường ưu tiên, liên kết chuỗi giá trị để chinh phục thị trường.
Tại phiên hai về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các diễn giả sẽ đưa ra mô hình truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi giá trị nông sản, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trong và ngoài nước. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và Internet vạn vật, Big Data cũng được đề cập với vai trò giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Chương trình do Ban Nghiên cứu, phát triển kinh tế tư nhân phối hợp thực hiện cùng Báo điện tử VnExpress, có sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tập đoàn TH, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Công ty Cổ phần Lina Network.
-
8h40
Ông Trương Gia Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn
Trưởng ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF Trương Gia Bình nêu, câu hỏi trọng tâm của diễn đàn hôm nay là đi tìm "át chủ bài" cho nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp thế giới.
"Câu hỏi lớn của chúng ta lúc này là 'át chủ bài' cho nông nghiệp cao là gì? Làm sao biết được đó là át chủ bài? Việt Nam đứng ở đâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp thế giới? Tất cả cần sự chuẩn bị gì? Việt Nam liệu sẽ trở thành kho thực phẩm thế giới nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống", ông Bình nói.
Trong bài phát biểu ngắn gọn, ông nhấn mạnh, Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp hôm nay sẽ tập trung 2 chủ đề chính là mở cửa cho thị trường và ứng dụng công nghệ cao cho nền nông nghiệp.
Ông Bình bày tỏ, với sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng lòng của các ban ngành, sự tham gia của doanh nghiệp, người nông dân và cả hệ thống, sẽ có một ngày Việt Nam trở thành kho thực phẩm của thế giới.
-
8h47
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Phát biểu trước các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định việc lựa chọn chuyên đề Nông nghiệp để mở màn cho chuỗi sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là lựa chọn đúng và chính xác trong tình hình hiện nay để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.
"Có thể nói, thời gian qua với sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, chúng ta đã có từ 3.700 lên 7.600 doanh nghiệp, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn hợp tác xã lớn. Nông sản Việt Nam xuất khẩu tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả các nước khó tính tiêu chuẩn cao như Mỹ... Tính 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13%... Thặng dư ngành nông nghiệp từ 7 tỷ USD năm 2015 dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hứa với Thủ tướng thay vì năm 2017 chúng ta đạt được xuất 36,7 tỷ USD, năm nay sẽ vượt 40 tỷ USD.
Theo ông, trong ngành nông nghiệp, khâu chế biến,vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu chúng ta chỉ sản xuất ra nhưng không chế biến, không đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn thì cũng không thể tiêu thụ tốt, đặc biệt là với những bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, yếu tố thị trường, chưa tổ chức được thị trường trong nước. Điểm yếu tiếp theo của nông nghiệp Việt Nam là về tính liên kết sản phẩm của các làng xã, và địa phương. "Chúng ta cần nhiều thời gian để xử lý vấn đề này", ông nói.
Một vấn đề khác được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ra là vấn để xử lý nguồn gốc đất. "Tôi cho rằng đây là vấn đề cực kỳ quan trọng", ông nói. Thực tế, để giải quyết những bất cập trên, Việt Nam phải lấy thị trường làm mục tiêu, tiêu chuẩn thị trường làm thước đo đáp ứng yêu cầu trong và ngoài nước.
"Tôi đề nghị cách tiếp cận của diễn đàn ngày hôm nay là cách doanh nghiệp, chuyên gia, Bộ ngành tập trung phát hiện những khó khăn, thách thức trong phát triển nông nghiệp, nhất là trong việc mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, trên cơ sở đó, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ về mặt thể chế cũng như tổ chức thực hiện cho phù hợp", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho hay, qua buổi thảo luận hôm nay, Hội đồng tư vấn và các Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến và đề xuất để trình Thủ tướng cho buổi hội nghị vào 25, 26/6 tới đây tại Lâm Đồng.
-
9h10
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Trong bài tham luận có tiêu đề "Cơ hội thị trường với những vấn đề đặt ra cho nông sản Việt", tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp hôm nay đang bàn đến vấn đề khó nhất của ngành nông nghiệp, trong đó có thay đổi quy mô thị trường trong nước.
Ông Sơn chia sẻ với tốc độ tăng dân số hiện nay, năm 2035 chúng ta có nửa số dân chuyển sang dân số thành thị và còn tăng liên tục. Đi kèm với công nghiệp hóa, thu nhập của người dân về nông sản cũng tăng lên rõ rệt.
Dẫn chứng theo số liệu của World Bank, ông cho biết, đến năm 2030 kết cấu tiêu dùng trong bữa ăn của dân cư sẽ thay đổi nhiều trong đó nhu cầu về rau, thịt sẽ tăng.
Nhắc lại đề nghị của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi nói hội nhập mọi người thường để ý đến quốc tế mà hay quên thị trường trong nước, ông Sơn cho rằng, kết cấu nền nông nghiệp thay đổi rõ rệt, chăn nuôi và ngành thủy sản tăng lên, trồng trọt kết cấu thay đổi và toàn ngành cũng thay đổi. Đa dạng hóa sẽ đem lại thu nhập cho người nông dân.
Theo ông, thị trường quốc tế, nhu cầu đang thay đổi ghê gớm, nhất là ở các nước đang phát triển. "7 tỷ người sẽ tăng lên 9 tỷ người, thì lúc đó nhu cầu ngũ cốc, sữa, rau quả thịt đều tăng mạnh. Điều này mở ra điều kiện cho Việt Nam. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan có lợi thế nhất", chuyên gia Đặng Kim Sơn nói.
-
9h14
Nhiều thách thức cho nông sản Việt
Tiếp tục bài phát biểu kéo dài 10 phút, chuyên gia Đặng Kim Sơn nhận định, để mở rộng thêm thị trường, Việt Nam phải đẩy mạnh hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại. Các số liệu về cán cân thương mại cho biết, nông sản Việt Nam ngay từ khi hội nhập đã xuất siêu, năm 2018 dù có thể gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dương về xuất khẩu. "Điều này chứng minh rằng, thế mạnh của Việt Nam là một cường quốc về nông sản", ông nói.
Theo báo cáo về lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia CPTPP của các nước thành viên, các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Vì vậy, đây là một thách thức cho nông sản Việt Nam.
Ngoài ra, khi tham gia hội nhập, thị trường Việt Nam cũng sẽ mở rộng để các nước tiến vào, vì vậy các doanh nghiệp phải vượt lên để đương đầu với thách thức.
Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế, có quá nhiều cơ quan quản lý chung, có quá nhiều quy chuẩn, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp Việt còn yếu. Năng lực để chứng minh về chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy chúng ta cần phải xây dựng các thủ tục minh bạch hơn.
Vấn đề lao động, mối quan hệ giữa tổ chức các nghiệp đoàn nông nghiệp, quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp là những thách thức chính. "Ngoài ra chúng ta còn 1,7 triệu trẻ em nông thôn tham gia lực lượng lao động nông nghiệp, hay quản lý di cư cũng là những thách thức mà nước ta đang phải đối mặt", ông nói.
Ngoài ra, ông còn chỉ ra nhiều rào cản khác là hàm lượng khoa học công nghệ rất ít, năng suất lao động thấp. Một nguy cơ cũng mới xuất hiện trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, theo đó, ông đưa ra biểu đồ để cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ tụt hậu lớn nhất.
-
9h17
Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Cấp cao Central Group (Thái Lan)
Đại diện tại Việt Nam của đại gia nông nghiệp Thái Lan nhận định, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, diện tích đất canh tác trù phú trải dài từ Bắc vào Nam. Nông nghiệp được coi là chìa khóa cho sự phát triển quốc gia. Những năm gần đây, với quyết tâm đổi mới, bên cạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu lượng lớn nông sản. Nhóm hàng nông sản chính ước tính đạt 18,96 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ.
Việt Nam hiện vươn lên thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu trên thế giới với một số ngành hàng nông nghiệp điển hình như gạo, cà phê, tiêu đen, hạt điều, cao su miền Nam, rau củ quả Đà Lạt...
"Tháng 7/2016, sau khi hoàn tất chuyển nhượng hợp pháp siêu thị Big C, chúng tôi đã quảng bá hàng Việt ra nước ngoài, giúp Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Hàng năm, chúng tôi tích cực tổ chức tuần lễ Việt Nam tại Thái Lan với quy mô ngày càng lớn, gần đây là chương trình sinh kế cộng đồng, giúp người Việt Nam nâng cao chất lượng cuộc sông, triển khai tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi", ông Trần Thanh Hải cho biết.
Ông chia sẻ, Tập đoàn không những bao tiêu sản phẩm với giá cao, mà nông dân còn được chia sẻ kiến thức về hệ thống bán lẻ hiện đại, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hậu cần, chương trình hỗ trợ tài chính cho nông dân khi cần thiết.
Với nhiều năm tích luỹ kinh nghiệm làm việc với nông dân Việt Nam, đại diện Central Group đưa ra một số đề xuất.
Đầu tiên, theo ông, Việt Nam cần xây dựng và phát triển mô hình đầu tư canh tác quy mô lớn. Hiện nay, sản xuất còn nhỏ lẻ, làm theo quy mô hộ gia đình, diện tích canh tác còn giới hạn, các cánh đồng mẫu lớn chưa phổ biến, chưa tận dụng được chi phí đầu tư thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
"Ở các nước phát triển, chi phí đầu tư vào cơ sở vật chất, khấu hao trên từng sản phẩm giảm rất nhiều, nhà đầu tư có nhiều cơ hội đa dạng hoá sản phẩm, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hoá. Ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, ở Việt Nam kém Thái Lan 10 lần", ông khẳng định.
Cũng dẫn ra câu chuyện ở Thái Lan, ông cho biết hơn 70% hộ có sức nuôi từ 5.000 con gà. Trong khi đó, ở Việt Nam có 8 triệu điểm chăn nuôi, nhưng quy mô từ 100 đến 1.000 con chỉ chiếm 3%, trên 1.000 con chỉ 0,2%. "Quy mô và năng suất hiệu quả các nông trại ở Thái Lan hơn hẳn Việt Nam, các sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên trường quốc tế", ông nói tiếp.
Bên cạnh đó, ông đề xuất Việt Nam cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, như công nghệ sinh học tự động hoá, công nghệ cao trong thu hoạch chế biến. Hiện nay, đa phần nông dân Việt Nam ngại thay đổi, trung thành với canh tác truyền thống, ngại rủi ro, cơ hội hạn chế do quy mô đầu tư nhỏ.
Các nhà nông Việt cũng còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường. Họ không được làm chủ, quy mô nhỏ nên cũng không áp dụng được móc móc tiên tiến để nâng cao năng suất canh tác.
Một đề xuất khác, Việt Nam cần quản lý chất lượng thương hiệu. Việt Nam đã có nhiều thành công trong gia tăng doanh mục xuất khẩu ra thế giới, được danh giá cao về khả năng cung ứng, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn là một thách thức.
-
"Cần tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu"
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan), nhiều doanh nghiệp Việt chưa thấu hiểu thấu đáo đối tác, thị trường khi xuất hàng thường khó thông quan bởi vi phạm một số quy định tại thị trường quốc tế. Điều này gây tổn thất cho Việt Nam. "Như các bạn thấy uy tín mà tổn hại mất rất nhiều thời gian xây dựng lại", vị này bày tỏ.
Nhấn mạnh đến vấn đề tăng giá trị cho sản phẩm, ông này cho rằng, tuy hàng nông sản Việt Nam được khách hàng hàng quốc tế đánh giá cao về khả năng cung ứng nhưng chủ yếu là xuất thô không có thương hiệu thương mại. Nếu không tạo sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu. Các doanh nghiệp nên tập trung tìm hiểu thị trường đầu tư khâu chế biến đóng gói để tăng lợi nhuận khi xuất khẩu đồng thời có cơ hội đầu tư bền vững.
Ngoài ra, việc kết nối thị trường tiêu thị, giải quyết khâu logistic cũng là một bài toán. "Nhiều năm nay chúng ta thường giải cứu nông dân, điểm chung là người nông dân bị động bởi họ phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, thương lái, họ không có kế hoạch canh tác", ông này dẫn chứng.
Trong những năm gần đây, gạo và tiêu đen chịu áp lực rất lớn từ Campuchia, ông cho biết. "Chúng ta cần tập trung nhân lực để phát triển giá trị cho sản phẩm và đầu tư một cách bền vững hơn".
-
9h42
Thảo luận phiên một: Mở rộng thị trường cho nông sản Việt
Là người điều phối phiên thảo luận đầu tiên, ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi với 7 vị diễn giả cùng có mặt trên sân khấu về việc đi tìm át chủ bài cho nông nghiệp Việt Nam.
"Thực ra Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nông nghiệp, công nghệ chúng ta có thể mua được, các doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành... Nhưng vấn đề lớn nhất là sản xuất vẫn nhỏ lẻ, không ra tấm ra món. Ccác anh các chị nghĩ gì về con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam?", Trưởng ban điều hành ViEF đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này đầu tiên, ông Nguyễn Quốc Toàn, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản khẳng định đây là một diễn đàn ý nghĩa.
Theo ông, Việt Nam là nước hội tụ nhiều tiềm năng về nông nghiệp, bằng chứng là trong những năm vừa qua Việt Nam xuất siêu về nông nghiệp. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới. Năm 2003, mặt hàng rau quả đạt con số 105 triệu USD, đến 2016 đã đạt con số 1,5 tỷ USD, năm nay chúng ta phấn đấu riêng mặt hàng rau quả 3,5 tỷ USD.
Thứ hai, chúng ta có một tầng lớp tiêu dùng trung lưu đang phát triển, thay đổi về hành vi và nhận thức tiêu dùng. Tỷ lệ ăn gạo có xu hướng giảm, người ta quan tâm hơn đến thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Thứ ba, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu về chế biến thực phẩm sạch tăng.
3.500 doanh nghiệp tham gia vào ngành nông nghiệp theo ông vẫn là tỷ trọng nhỏ và có thể còn nhiều dư địa tăng.
Trong bức tranh xuất khẩu, có khoảng 1% trong tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của cả nước. "Như vậy, ông nghiệp Việt Nam tiềm năng rất lớn nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đầu tàu về nông nghiệp", ông nói
Người điều hành Trương Gia Bình nhắc lại câu hỏi về át chủ bài với chuyên gia Đặng Kim Sơn. Ông Sơn cho rằng át chủ bài của chúng ta có thể là tất cả các cây trồng nhiệt đới mà người nông dân Việt Nam cũng có thể sản xuất tốt.
Trước đây, "đòn đột phá" về cây công nghiệp của Việt Nam từng viết nên những câu chuyện thần kỳ. "Nếu chúng ta có thị trường, nếu chúng ta có vốn, có khoa học công nghệ, và đặc biệt cái gốc là thể chế thì thị trường sẽ mở. Nông dân nhỏ quá, doanh nghiệp nhỏ quá mà lại k hông liên kết với nhau", ông Sơn nói.
Còn ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu - Bộ Công thương đặt ngược lại một câu hỏi trước câu hỏi "át chủ bài" của vị chủ tọa: "Sao chúng ta là một nước thu nhập thấp mà có nhiều mặt hàng thuộc hàng đứng đầu thế giới. Hay nói cách khác là tại sao chúng ta đứng top thế giới mà vẫn nghèo".
Theo ông, vấn đề này cần giải quyết ở cơ chế, thể chế. Khi đi nói với doanh nghiệp tư nhân, ông được nghe rằng vốn cũng cần, đất cũng cần, nhưng họ cần nhất là cơ chế. Các doanh nghiệp khi đầu tư còn rụt rè vì lo ngại sẽ có thay đổi về môi trường đầu tư khến họ thua lỗ, nhất là khi nông sản là ngành phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, ngoại cảnh, các yếu tố bên ngoài.
Do đó, với câu hỏi của ông Bình, ông Hải cho rằng quan trọng nhất là vấn đề cơ chế.
Trong những năm vừa qua, nông sản Việt đã có nhiều thành tích ấn tượng với 6 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Mỹ, EU, Asean, Nhật bản, Hàn Quốc, chiếm 77% giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc quá lệ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng không phải điều hay, ông Hải nói.
-
9h50
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao: Át chủ bài là chuẩn chất và giá trị gia tăng
Ông Trương Gia Bình tiếp tục đặt câu hỏi với bà Vũ Kim Hạnh rằng Việt nam có thể trở thành kho lương thực của thế giới hay không, nếu được thì át chủ bài của chúng ta là gì.
Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất và giá trị gia tăng. "Lý do tại sao chuẩn chất, vì trong những năm gần đây khi đi nói chuyện với nông dân và doanh nghiệp thì tôi thấy thực tế khá sốc là nông dân và doanh nghiệp chúng ta ít quan tâm đến tiêu chuẩn quá, nhất là tiêu chuẩn quốc tế", chuyên gia này nói.
Bà dẫn câu chuyện thực tế tại Phú Tư, An Giang vốn là một nơi nổi tiếng về nếp, người nông dân làm ăn lớn lắm, nhưng khi bà đã hỏi những doanh nghiệp tại đây câu hỏi "Tiêu chuẩn của các anh là gì" thì họ cho biết không có tiêu chuẩn nào cả. "Họ nhấn mạnh, chúng tôi thật thà lắm, chị phải tin tôi chứ. Tôi nói không được, các anh làm quốc tế phải có tiêu chuẩn, cam kết bằng giấy tờ", bà Hạnh kể.
Bà Hạnh cũng dẫn ra câu chuyện khác một doanh nghiệp xuất khẩu mắm tôm qua Mỹ đều đều, được FDA cấp chứng nhận. Họ làm mọi thứ đều tiến triển ổn định, có chứng nhận đầy đủ. Lý do là doanh nghiệp này chị giám đốc là tiến sĩ về chế biến thực phẩm ở Nga, có kinh nghiệm xây dựng chỉn chu ngay từ đầu.
Qua đó, bà nhận thấy có nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh tay vào tiêu chuẩn như trường hợp của Vinamit, bà dẫn chứng.
Giải pháp thứ hai là chế biến nông sản. Theo bà, chúng ta cần phải ngưng giải cứu nông sản.
Trái vải chỉ có một mùa, nhưng có cách chế biến vải, thì đâu có nhất thiết là một mùa, chúng ta có thể chế biến nông sảm, bà nói. "Khi chế biến có hai vấn đề, đó là nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm", bà nói.
"Chốt lại, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta chỉ cần lập một nhóm nghiên cứu thị trường làm thiết thực và tổ chức những nhóm chuyên gia trẻ đi các hội trợ quốc tế uy tín, lấy cái túi khôn của thiên hạ, hai giải pháp này theo tôi nếu làm được sẽ rất có lợi cho người dân", bà kết luận.
-
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương:
"Với tôi, dưới góc độ cơ quan quản lý, át chủ bài của nền nông nghiệp vẫn là cơ chế chính sách ngoài dòng vốn", ông Hải nói.
"Theo tôi thấy, các doanh nghiệp hiện chưa mạnh dạn đầu tư. Về thị trường, hiện nay Việt Nam có 6 thị trường xuất khẩu chính chiếm tới 77% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc lệ thuộc một số thị trường chính cũng là vấn đề", ông nhận định.
Tuy vậy, ông cho rằng đây cũng có thể xem là điểm tựa để chúng ta tiến tới đa dạng hóa thị trường. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới. Riêng trong nước, ông cho rằng Việt Nam cần thay đổi quy mô sản xuất giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm cơ hội.