Ngày 19/9, tại hội nghị toàn cầu về an toàn và khai thác hàng không do Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) tổ chức ở Hà Nội, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Việt Nam xác định bảo đảm an toàn, an ninh hàng không là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được quan tâm thực hiện thường xuyên, theo kịp những diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình thế giới.
Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển an toàn, lành mạnh của ngành hàng không. Chính phủ cũng đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị để hệ thống giám sát an toàn đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Hàng không dân dụng để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế. Đặc biệt, văn hóa an toàn là nội dung trọng tâm được ngành chú trọng trên toàn hệ thống và tới từng nhân viên.
Trong hơn 15 năm qua, tăng trưởng của ngành hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam, tức là GDP tăng 1% hàng không sẽ tăng 1,5-2%. Từ năm 2009 tới năm 2019, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã tăng trưởng về hành khách đạt trên 17%, về hàng hóa đạt gần 14%.
Ngành đã đạt chứng nhận của ICAO, chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 - mức cao nhất của Cục Hàng không Liên bang Mỹ.
Bộ trưởng Thắng cũng chỉ rõ hàng không Việt Nam đang đối mặt với bốn áp lực lớn nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường và quản trị rủi ro. "Đây là những thách thức phải vượt qua để phát triển bền vững, mang đến cho người dân dịch vụ an toàn, thuận tiện nhất, cũng như hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam là một điểm trung chuyển hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế", ông Thắng nói.
Tại hội nghị, Vietnam Airlines cùng IATA ký kết Hiến chương về văn hóa an toàn.