Nội dung được trao đổi tại hội đàm cấp Bộ trưởng về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Brazil diễn ra tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, sáng 27/11. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ ngày 27-30/11 của Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil Luciana Santos.
Tại hội đàm, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Brazil phát triển tích cực kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao 34 năm trước. Ông nhắc về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil hồi tháng 9 năm nay, trong đó nhấn mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trong những trụ cột quan trọng ưu tiên thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Vì thế hai bên cần tìm hiểu về hệ thống chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trao đổi cơ chế, đề xuất biện phát nhằm thúc đẩy hợp tác của hai quốc gia.
Chia sẻ với người đồng cấp, Bộ trưởng Luciana Santos cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những thành công trong đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối nghiên cứu cũng như xây dựng hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm.
Theo bà, những tiến bộ kinh tế và xã hội của Việt Nam trong thập kỷ qua rất ấn tượng. Với 100 triệu dân và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam có những mục tiêu và thách thức tương tự như Brazil, điều này góp phần thúc đẩy hành động chung giữa hai nước về các chủ đề được quan tâm.
Bà đánh giá, Brazil và Việt Nam có nhiều triển vọng về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới, trong đó có thể thực hiện thúc đẩy các sáng kiến chung về chuyển đổi kỹ thuật số, chiến lược công nghệ bán dẫn, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và môi trường, tập trung vào các công ty khởi nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu, Brazil triển khai tái khởi động dự án Trung tâm Công nghệ điện tử tiên tiến quốc gia S.A-Ceitec, đơn vị phát triển và sản xuất chip quốc gia. Theo bà, việc hợp tác với Việt Nam có thể tạo cơ hội cho cả hai quốc gia tìm kiếm sự cơ hội và vai trò trong chuỗi linh kiện bán dẫn và linh kiện tiên tiến toàn cầu.
Tại hội đàm, đại diện từ hai quốc gia cùng chia sẻ tình hình phát triển của các công nghệ mới nổi. Ông André Rafael Costa e Silva, Điều phối viên Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Kỹ thuật số Brazil, cho biết Brazil có nhiều chính sách đang được triển khai và các hướng nghiên cứu ưu tiên phát triển.
Với lĩnh vực công nghệ lượng tử, các trung tâm nghiên cứu chất lượng cao giữ vai trò chiến lược. Hiện có tới 800 trung tâm nghiên cứu với công nghệ tiên tiến, đặc biệt chú trọng tới nghiên cứu và phát triển R&D.
Về trí tuệ nhân tạo, Brazil có chiến lược riêng, gọi là EBIA, thực hiện triển khai 73 dự án về trí tuệ nhân tạo. Các trung tâm kết nối nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thiết kế sản phẩm ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp. Các công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ bán dẫn cũng được thực hiện. Bên cạnh việc tham gia sản xuất chuỗi màn hình bán dẫn, Brazil có nhiều chương trình học bổng, cuộc thi bán dẫn hợp tác liên minh châu Âu và các quốc gia châu Á như Malaysia, Việt Nam...
Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng đề cập tới công nghệ bán dẫn. Ông cho biết hiện Việt Nam có hơn 5.000 kỹ sư và hơn 50 doanh nghiệp lĩnh vực này, trong đó tập trung thiết kế bán dẫn phân bố tập trung tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp về sản xuất bán dẫn, song việc đóng góp và kiểm thử hiện đã có một số doanh nghiệp. Các hoạt động đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển một số phòng thí nghiệm liên quan chế tạo bán dẫn được triển khai tại một số đơn vị trong nước. Ông cho biết thêm, phía Việt Nam mong muốn phát triển phối hợp đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn.
Đề xuất cho Khóa họp Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam – Brazil lần đầu tiên trong năm 2024, phía Việt Nam mong muốn hai quốc gia trao đổi và tìm ra các chủ đề chung để đặt ưu tiên phù hợp với các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc như biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghệ sinh học nông nghiệp. Hai bên nhất trí về các lĩnh vực ưu tiên gồm chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp sáng tạo, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học trong nông nghiệp và khoa học xã hội - nhân văn.
Như Quỳnh