"Việt Nam đang trao đổi với một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc về việc từng bước nối lại đi lại, căn cứ tình hình và nhu cầu của hai bên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong thông cáo ngày 18/6.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về khả năng Việt Nam nối lại đi lại với các nước trong bối cảnh Việt Nam bước đầu kiểm soát được Covid-19. Chính sách được thực hiện trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không để dịch lây lan. Trước mắt, các chuyên gia, nhà quản lý của ba nước được tạo điều kiện quay lại Việt Nam làm việc. Ngược lại, các thực tập sinh, lao động Việt Nam cũng sẽ được xem xét vấn đề tương tự.
Ngày 10/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành cân nhắc việc mở lại một số đường bay quốc tế, có phương thức quản lý và không mở ồ ạt. Các đối tác nằm trong danh sách dự kiến là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Lào.
Hôm nay, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết ngành đường sắt sẽ lập nhiều đoàn tàu riêng để vận chuyển gần 1.000 chuyên gia, lao động Trung Quốc từ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đến Khu công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi. Chuyến tàu đầu tiên đã khởi hành ngày 12/6, đưa 137 lao động từ ga Đồng Đăng, Lạng Sơn đến ga Quảng Ngãi.
Việt Nam dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài từ ngày 22/3 để chặn Covid-19. Dịch bùng phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối 2019 và nhanh chóng lan ra toàn cầu.
Đến nay phần lớn các ca nhiễm nCoV ở Việt Nam đã khỏi bệnh, chỉ còn 10 người đang được điều trị. 195 ca nhiễm nhập cảnh đã được cách ly ngay, 63 ngày liên tiếp không xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng. Ba nước Đông Á nói trên từng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch, đến nay đều cơ bản kiểm soát được tình hình. Riêng tại Trung Quốc, ổ dịch mới xuất hiện tại Bắc Kinh từ đầu tháng 6, gây lo ngại về làn sóng dịch thứ hai tại nước này.
Hiện thế giới ghi nhận gần 8,4 triệu ca nhiễm và hơn 450.000 người chết, với các "điểm nóng" gồm Nam Mỹ, Ấn Độ.