Ngày 16/6, Bắc Kinh ghi nhận 106 ca nhiễm nCoV liên quan đến cụm dịch mới Tân Phát Địa, chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á. Số ca nhiễm khiến Bắc Kinh trở thành ổ dịch nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc kể từ tháng 2, gây lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai tại nước này.
"Tôi không lo lắng nhiều về cụm dịch mới ở Bắc Kinh, so với ổ dịch Vũ Hán, vì Trung Quốc đang tích cực theo dõi sát diễn biến", tiến sĩ Timothy Brewer, chuyên gia dịch tễ, Đại học California, Los Angeles (UCLA), Mỹ, nói với VnExpress.
Trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cuối năm ngoái, giới chức Trung Quốc bị nhiều nước cáo buộc giấu dịch, không công bố sớm khiến Covid-19 nhanh chóng lan ra toàn cầu, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và kinh tế. Hiện thế giới ghi nhận gần 8,3 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 445.000 ca tử vong.
Tuy nhiên, khi có dấu hiệu xuất hiện cụm dịch mới đầu tháng 6, Bắc Kinhđã nhanh chóng thực hiện các biện pháp kiểm soát. Chính quyền địa phương đóng cửa nhiều khu chợ, phong tỏa gần 30 khu dân cư, hoãn cho học sinh đến trường học; cấm các hoạt động đông người, dừng các tour du lịch, xét nghiệm sàng lọc hơn 200.000 người, khuyến cáo người dân không ra khỏi thủ đô. Giới chức cũng tăng cảnh báo Covid-19 lên cấp hai, mức cao thứ hai trong thang cảnh báo 4 cấp, cảnh báo tình hình dịch bệnh ở thủ đô "cực kỳ nghiêm trọng", và nhiệm vụ cấp bách là "kiên quyết ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh".
Tiến sĩ Brewer cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ kiểm soát được cụm dịch mới ở Bắc Kinh. Ông lưu ý số ca nhiễm ở mức thấp, chưa đến 200 người, là tỷ lệ thấp so với dân số gần 20,5 triệu người của Bắc Kinh.
Đồng tình với ý kiến này, Giáo sư Hajo Zeeb, Viện nghiên cứu phòng dịch và dịch tễ học Leibniz (BIPS), Đức, cho rằng Trung Quốc đang kiểm soát tốt các hệ thống y tế và xã hội, bảo đảm cách ly để chặn dịch. Họ đã có dữ liệu của một lượng lớn người liên quan đến ca nhiễm.
"Trung Quốc sẽ tận dụng tất cả các cách để kiểm soát dịch ổ dịch mới. Hy vọng là việc truy dấu các ca nghi nhiễm sẽ hiệu quả", Zeeb nói. Hồi tháng 12/2019, khi xử lý dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc không có chính sách thông tin đủ tốt. Zeeb cho rằng Bắc Kinh sẽ không lặp lại kịch bản "thông tin chậm trễ".
Nhìn lại diễn biến dịch ở Vũ Hán, Giáo sư Dean Winslow, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, Đại học Stanford, Mỹ, đánh giá cao hợp tác của người dân khi giới chức công bố dịch. Người dân tuân thủ nghiêm các quy định hạn chế đi lại để chặn Covid-19, trong khi chính quyền thận trọng mở lại các hoạt động kinh tế và xã hội. Do đó Winslow tin Trung Quốc sẽ kiểm soát được dịch ở Bắc Kinh.
Dù vậy, giáo sư Zeeb vẫn đề cao sự thận trọng, cho rằng các nước vẫn chưa hiểu rõ điều gì đang xảy ra ở Trung Quốc, khi có ổ dịch mới. Ông khuyến cáo các quốc gia theo dõi sát tình hình, trước khi đưa ra các quyết định hợp tác với Trung Quốc.
Trong các ca nhiễm mới, có người từng đi đến tỉnh khác. Dịch từ Bắc Kinh đã lan sang ít nhất 4 tỉnh gồm Liêu Ninh, Hà Bắc, Tứ Xuyên và Chiết Giang
"Do đó, dịch ở Trung Quốc vẫn có nguy cơ lan rộng", tiến sĩ Brewer cảnh báo.