Sáng 3/12, tại hội thảo giới thiệu kinh nghiệm trong việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử chống tham nhũng, bà Sandrine Jarry (chuyên gia đến từ Pháp) nói, "bộ quy tắc chuẩn là một trong những công cụ phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu ở bất kỳ quốc gia nào".
Theo bà Sandrine Jarry, bộ quy tắc gồm nội dung về phòng ngừa lợi ích trong suốt chu trình mua hàng của cán bộ, công chức; quản lý các mối quan hệ với doanh nghiệp hay các hành vi không được làm; các hình thức kỷ luật trong trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử; hệ thống phát hiện, cảnh báo nội bộ; quản lý giấy mời, quà tặng...
"Việc cán bộ, công chức nhận vé mời xem bóng đá hay ăn trưa để duyệt trợ cấp cho đối tác hoặc người liên quan..., là những hành vi bị cấm và được đưa vào bộ quy tắc. Kèm theo đó là chế tài tuỳ mức độ vi phạm như kỷ luật, xử phạt, luân chuyển hay cảnh báo", bà Sandrine Jarry nói.
Ngoài ra, bà Sandrine Jarry cho hay, bộ quy tắc sẽ nêu rõ các hành vi có thể dẫn đến tham nhũng trong đội ngũ nhân sự; mô tả các tình huống cần tránh cùng với ví dụ minh họa từ thực tế hoạt động của cơ quan.
Phát biểu sau đó, ông Trần Ngọc Liêm - Phó tổng Thanh Tra Chính phủ nhấn mạnh, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã dành một phần cho quy tắc ứng xử của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, công chức. Tuy nhiên, để cụ thể hoá nội dung đó đạt hiệu quả cao nhất thì việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt từ cơ quan Phòng chống tham nhũng của Pháp có ý nghĩa quan trọng.
"Trên cơ sở kinh nghiệm của Pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp của Bộ, ngành liên quan để xây dựng một bộ quy tắc chuẩn mực, áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn", ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện cơ quan này đã xây dựng xong bộ khung của quy tắc, có tham khảo quốc tế song không áp dụng toàn bộ mà tuỳ thuộc vào từng vấn đề cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
"Đây là mẫu quy tắc chung về phòng ngừa tham nhũng của Chính phủ và từ mẫu này, các Bộ, ngành, địa phương sẽ làm căn cứ để ban hành bộ quy tắc riêng", ông Tuấn Anh nói.
Dự kiến Bộ quy tắc chung sẽ được hoàn thiện vào tháng 4/2019 để trình Chính phủ thông qua vào tháng 7/2019.