Leadership là một trong bốn bài luận bắt buộc mà học bổng Chevening yêu cầu. Ba bài luận khác gồm Networking, Studying in the UK và Career Plan.
Anh Thư, sinh năm 1994, người giành học bổng Chevening năm 2018 chia sẻ bốn bí quyết viết bài luận này. Cô đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Quy hoạch Giao thông tại Đại học Aalto, Phần Lan.
Tìm định nghĩa "lãnh đạo"
Theo Anh Thư, để tìm ra được các chất liệu cho bài luận Leadership, đầu tiên ứng viên cần trả lời được hai câu hỏi "Lãnh đạo là người như thế nào?", "Lãnh đạo cần có tố chất gì?".
Thư cho biết, thời điểm ứng tuyển học bổng Chevening, không chỉ cô, mà nhiều ứng viên đều không làm ở vị trí lãnh đạo. Mọi người đều phải tự định nghĩa "lãnh đạo" theo cách riêng, từ đó thể hiện tố chất, tiềm năng lãnh đạo của mình trong tương lai.
Anh Thư cảm thấy khá may mắn vì trước thời điểm ứng tuyển Chevening, cô từng tham gia dịch cuốn sách "Tâm thư nhà lãnh đạo". Cô được truyền cảm hứng từ những câu chuyện lãnh đạo khác nhau và tìm thấy điểm tương đồng với bản thân trong câu chuyện của những người làm việc trong cơ quan nhà nước.
Với cô, một người lãnh đạo truyền cảm hứng là người có tầm nhìn, chủ động trong công việc, có kiến thức và khả năng ngôn ngữ linh hoạt để chia sẻ kiến thức, quan điểm. Ngoài ra, người lãnh đạo còn là người gặp khó không nản, bền bỉ với con đường mình chọn.
Tìm chất liệu cho bài luận
Anh Thư cho rằng, sau khi tìm ra được định nghĩa "lãnh đạo", ứng viên hãy liệt kê các công việc, hoạt động để chứng tỏ được tố chất, tiềm năng lãnh đạo của mình. Cá nhân Anh Thư đã dành vài ngày suy nghĩ về những việc từng làm, các trải nghiệm của bản thân, cân nhắc liệu trải nghiệm đó có đủ sức nặng để chứng minh tố chất lãnh đạo không.
Theo Thư, nếu chưa định vị được chính xác về tiềm năng lãnh đạo của bản thân, ứng viên có thể tham vấn ý kiến từ thầy cô, những người quản lý. "Nhiều khi bạn tự thấy bản thân khiêm tốn, nhưng trong mắt mọi người bạn lại sáng láng và tiềm năng", cô nói.
Cấu trúc viết bài luận
Sau khi đã có chất liệu, ứng viên cần sắp xếp các ý thành một bài luận hoàn chỉnh. Ứng viên nên nghĩ rằng mình đang kể một câu chuyện về bản thân thay vì viết luận.
Theo Anh Thư, ứng viên có thể tham khảo viết bài luận theo cấu trúc STAR, gồm Situation (mô tả tình huống), Task (nhiệm vụ, trách nhiệm), Action (bạn đã làm gì để giải quyết tình huống đó), Result (kết quả của hành động).
Trong bài luận, ứng viên cần viết rõ mình đã làm gì, tránh sa đà kể chuyện tập thể. Bài luận cần thể hiện được kết quả thực tế, rằng việc đó đã giúp bạn thể hiện tố chất lãnh đạo thế nào.
Ngôn từ giản dị nhưng chân thành
Kinh nghiệm của Thư là sau khi đã soạn thảo xong bản nháp của bài luận, bạn nên dành một vài ngày không đọc nó nữa, để quên hẳn những gì đã viết. Sau đó, bạn đọc lại, xem bài viết của mình đã thuyết phục, mạch lạc và rõ ràng chưa. Thư cho rằng, ngôn từ bài luận có thể đơn giản, nhưng cần chân thành, mạch lạc, rõ ràng.
Khi viết xong bài luận, Thư đã đọc lại câu chuyện của mình cho bố nghe bằng cách dịch thô sang tiếng Việt. Cô cho rằng, cách này giống một bài kiểm tra để đảm bảo rằng không cần câu từ hoa mỹ, người đọc bài luận vẫn thấy đúng con người ứng viên trong hành trình tìm kiếm, định vị bản thân, chứ không phải một chân dung được dàn dựng bởi ngôn từ.
"Mỗi người sẽ có cách riêng để khám phá và thể hiện tố chất lãnh đạo phù hợp với bản thân trong bài luận Leadership, không nhất thiết phải đi theo khuôn mẫu nào cả", Thư nói.
Lệ Thu