Hoàng Thắng (Micheal Hoang), sinh năm 1987, là cựu sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương và ngành Luật Kinh doanh tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh từng tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tại Đại học Kyushu, Nhật Bản và làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2011-2021.
Nhận thấy hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, năm 2021, Thắng quyết định ứng tuyển và giành học bổng Chevening để theo học thạc sĩ Luật Sở hữu trí tuệ tại Đại học Queen Mary, London. Anh hoàn thành khoá học thạc sĩ hôm 19/9.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Thắng nhận định trong bốn bài luận của hồ sơ xin học bổng Chevening (Leadership, Networking, Studying in the UK và Career Plan), Career plan là bài luận cơ sở để phát triển các bài luận còn lại dễ dàng và thuyết phục hơn.
Anh đưa ra bốn kinh nghiệm của bản thân khi viết bài luận này.
1. Rõ ràng về định hướng nghề nghiệp tương lai
Theo Hoàng Thắng, học bổng Chevening tìm các ứng viên có định hướng rõ ràng "Bạn là ai - trong khoảng thời gian ít nhất là 5-10 năm tới?". Không chỉ điểm tên từng mục tiêu cụ thể, ứng viên cần đưa ra và phân tích các cơ sở hợp lý để đạt được những mục tiêu đó, để Hội đồng tuyển chọn thấy được kế hoạch nghề nghiệp đó là khả thi.
"Bạn không thể giành được học bổng nếu định hướng nghề nghiệp còn mơ hồ theo kiểu vừa đi vừa dò", anh nói và nhấn mạnh kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng là vũ khí không thể thiếu, thậm chí mang tính quyết định để chiếm được tình cảm và chinh phục hội đồng tuyển chọn.
2. Khả năng đóng góp cho xã hội
Học bổng Chevening tìm kiếm những ứng viên có khả năng mang lại giá trị, lợi ích cho xã hội. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa ứng viên này với ứng viên khác. Do vậy, ứng viên cần cho hội đồng tuyển chọn thấy được bản thân mình có giá trị cho xã hội và cộng đồng thế nào thông qua kế hoạch nghề nghiệp.
Theo Thắng, việc đóng góp cho xã hội (trực tiếp hoặc gián tiếp) của mỗi cá nhân cần gắn liền với sự phát triển của mối quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, cũng như gắn với các hoạt động hợp tác, hỗ trợ phát triển của Anh tại Việt Nam và khu vực mà Việt Nam là thành viên như ASEAN, Châu Á - Thái Bình Dương.
3. Hiểu mục tiêu nghề nghiệp như thế nào được đánh giá cao
Hoàng Thắng lưu ý, không ít bạn trẻ cho rằng cần phải đặt ra mục tiêu trở thành người giữ vị trí rất cao trong hệ thống chính trị hoặc trong xã hội để gây ấn tượng mạnh với hội đồng tuyển chọn. Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ "không hoàn toàn hợp lý".
Mỗi người có một mục tiêu nghề nghiệp riêng. Các ứng viên có thể có định hướng trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực công hoặc trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của mình, hoặc cũng có thể lựa chọn trở thành người phục vụ cộng đồng, chăm sóc con người, bảo vệ môi trường, hoặc tiếp tục theo đuổi lĩnh vực học thuật. Mọi ước mơ đều được tôn trọng, đánh giá cao như nhau bởi đều có giá trị đóng góp riêng.
Với kinh nghiệm của bản thân, Thắng cho rằng điều quan trọng khi nộp hồ sơ xin học bổng Chevening là ứng viên cần hiểu rõ bản chất công việc, mục tiêu mà mình đang hướng tới, chứng minh cho hội đồng tuyển chọn thấy được kế hoạch nghề nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với công việc đang làm, với những gì mình sẽ học ở Anh và phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân.
4. Tận dụng tối đa 500 từ của bài luận
Học bổng Chevening giới hạn mỗi bài luận chỉ được viết trong phạm vi tối đa 500 từ, quá một từ cũng đủ khiến hồ sơ của bạn không hợp lệ.
Trước khi viết, Hoàng Thắng cũng như nhiều ứng viên từng cho rằng 500 từ là quá nhiều và việc viết 4 bài luận với 500 từ mỗi bài quả là "cơn ác mộng".
Một số bạn đặt câu hỏi có thể viết bài luận với 250 từ, 300 từ hoặc bất cứ con số nào ít hơn 500 từ không? Theo Hoàng Thắng, câu trả lời là tất nhiên là có bởi Chevening cho phép như vậy.
Tuy nhiên, học bổng này có lý do phù hợp để đưa ra quy định về số từ tối đa. Việc gọt giũa bài luận để chỉ còn tối đa 499-500 từ là cả một quá trình cân đo, đong đếm, "đo ni, đóng giày" thực sự vất vả, đôi lúc còn rơi vào tình huống "dở khóc, dở cười" kiểu "bỏ thì thương, mà vương thì tội". Song, đó cũng như quá trình bạn gọt giũa bài luận, hoàn thiện hồ sơ.
"Ứng viên nên tận dụng tối đa số từ cho phép để thể hiện tốt nhất kỹ năng, kinh nghiệm và kế hoạch nghề nghiệp của bản thân với Hội đồng đánh giá", anh chia sẻ.
Lệ Thu (ghi)