Jennifer Doudna không ngủ được. Berkeley - trường đại học nơi bà nổi tiếng với thành tựu phát minh ra công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR - vừa phải đóng cửa khuôn viên bởi sự lây lan nhanh chóng của đại dịch coronavirus. Dù không muốn, bà vẫn phải chở cậu con trai Andy, học sinh cuối cấp phổ thông, tới ga tàu để đi Fresno dự một cuộc thi lắp ráp robot. Và bây giờ, vào lúc hai giờ sáng, bà lôi chồng mình dậy khỏi giường và khăng khăng rằng họ phải đón cậu bé về trước lúc cuộc thi bắt đầu, khi mà hơn 1.200 đứa trẻ sẽ tụ tập bên trong một trung tâm hội nghị.
Họ mặc quần áo, lên xe, tìm một trạm xăng còn hoạt động và bắt đầu hành trình dài ba tiếng đồng hồ. Andy, cậu con trai duy nhất của họ, không mấy vui vẻ khi thấy cha mẹ, nhưng họ vẫn thuyết phục được cậu bé gói ghém đồ đạc để về nhà. Khi chiếc xe của họ lăn bánh ra khỏi bãi đỗ, Andy nhận được tin nhắn từ ban tổ chức: "Các trận thi lắp người máy bị hủy! Các em nhỏ phải rời đi ngay lập tức!".
Hồi tưởng lại, đó là thời điểm Doudna nhận ra thế giới của mình, cũng như giới khoa học, đã thay đổi. Chính phủ lóng ngóng trong việc ứng phó với Covid, vì thế, đây là thời điểm mà các giáo sư và nghiên cứu sinh, tay nắm chặt ống nghiệm và giơ cao pipet, lao vào cuộc chiến. Ngày hôm sau - thứ sáu, ngày 13 tháng 3 năm 2020 - bà chủ trì một cuộc họp với các đồng nghiệp ở Berkeley và các nhà khoa học khác ở Bay Area để thảo luận vai trò về họ có thể đảm nhận.
Khoảng chục người trong số đó rảo bước qua khuôn viên hoang vắng của Berkeley và tụ hội trong tòa nhà sáng loáng bằng đá và kính, nơi đặt phòng thí nghiệm của bà. Những chiếc ghế trong phòng hội thảo tầng trệt khi ấy được kê sát vào nhau, do đó việc đầu tiên họ làm là tách chúng ra cách nhau 2 mét. Rồi họ bật hệ thống video để 50 nhà nghiên cứu khác từ các trường đại học lân cận có thể tham gia qua Zoom. Khi đứng trước căn phòng để kêu gọi mọi người, Doudna thể hiện một sự quyết liệt thường bị giấu kín dưới vẻ ngoài điềm đạm. "Đây không phải là thứ mà những người làm học thuật thường làm. Chúng ta phải xung phong!", bà nói.
Việc một đội ngũ chiến đấu chống virus được dẫn đầu bởi các nhà tiên phong trong công nghệ CRISPR là điều hợp lý. Công nghệ chỉnh sửa gen mà Doudna và những người khác đã phát triển vào năm 2012 dựa trên một kỹ thuật kháng virus được sử dụng bởi vi khuẩn, những vi sinh vật đã chiến đấu với virus trong hơn một tỉ năm qua. Trên DNA của vi khuẩn tồn tại các chuỗi lặp theo cụm được gọi là các CRISPR, có khả năng ghi nhớ và sau đó tiêu diệt các virus tấn công chúng. Nói cách khác, đó là một hệ miễn dịch có thể tự thích nghi để chống lại mỗi đợt virus mới - chính là thứ mà con người cần trong một kỷ nguyên đầy rẫy các đại dịch do virus gây ra như thời Trung cổ.
Luôn có sự chuẩn bị và cẩn thận, Doudna trình bày các gợi ý về cách tiếp cận họ có thể thực hiện để chống lại coronavirus. Bà chủ trì bằng việc lắng nghe. Tuy là một nhân vật tiếng tăm trong giới khoa học, người ta vẫn thấy thoải mái khi làm việc cùng bà. Bà đã thành thạo việc theo kịp tiến độ khắt khe trong khi vẫn có thời gian kết nối với người khác về mặt tinh thần.
Nhóm đầu tiên Doudna thành lập được giao nhiệm vụ tạo nên một phòng thí nghiệm coronavirus. Một trong các lãnh đạo mà bà tìm đến là một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tên là Jennifer Hamilton, người chỉ vài tháng trước đó đã dành một ngày dạy tôi sử dụng CRISPR để chỉnh sửa gen người. Việc đó khiến tôi rất hài lòng, nhưng cũng có một chút lo lắng, khi thấy việc đó dễ dàng thế nào. Ngay cả tôi cũng làm được!
Một nhóm khác được giao nhiệm vụ phát triển các xét nghiệm mới về coronavirus dựa trên CRISPR. Doudna cũng thích các doanh nghiệp thương mại. Ba năm trước đó, bà và hai học viên cao học đã thành lập một công ty sử dụng CRISPR như một công cụ nhận diện các bệnh do virus gây ra.
Trong nỗ lực tìm kiếm các xét nghiệm mới để nhận diện coronavirus, Doudna đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh cam go nhưng đầy hứa hẹn với một đối thủ ở quốc gia khác. Feng Zhang, một nhà nghiên cứu trẻ tài năng sinh ra ở Trung Quốc và lớn lên ở Iowa, làm việc tại Viện Nghiên cứu Broad của MIT và Harvard, vốn là đối thủ của bà trong cuộc đua trong việc biến CRISPR thành một công cụ chỉnh sửa gen vào năm năm 2012, và kể từ đó họ bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt trong việc tìm kiếm các phát kiến khoa học mới và thành lập các công ty lấy CRISPR làm nền tảng. Giờ đây, với sự bùng nổ của đại dịch, họ lại tham gia vào một cuộc đua khác - cuộc đua được thôi thúc không chỉ bởi việc theo đuổi các bằng sáng chế, mà còn cả khát khao làm việc thiện.
Doudna quyết định làm mười dự án. Bà đề xuất người lãnh đạo cho mỗi dự án và yêu cầu những người còn lại tự tìm nhóm phù hợp cho mình. Mỗi người nên bắt cặp với ai đó có thể làm công việc giống mình, để tạo nên một hệ thống tiếp sức cơ động: nếu bất kỳ ai trong nhóm nhiễm virus, sẽ luôn có người tiếp tục công việc của họ. Đây cũng là lần cuối cùng họ gặp mặt trực tiếp. Kể từ sau đó, họ sẽ làm việc qua Zoom và Slack.
"Tôi muốn mọi người bắt đầu sớm", bà nói. "Thật sớm".
"Đừng lo", một thành viên trấn an bà. "Không ai có bất cứ kế hoạch du lịch nào đâu".
Điều mà không một thành viên nào thảo luận là một tiềm năng dài hơi hơn: sử dụng CRISPR để kiến tạo các chỉnh sửa có thể di truyền ở người sẽ giúp con cháu, cũng như hậu duệ, của chúng ta khó nhiễm các bệnh do virus gây ra hơn. Các cải tiến về gen này có thể thay đổi nhân loại vĩnh viễn.
"Điều đó vẫn nằm trong miền đất của khoa học viễn tưởng", Doudna bác bỏ khi tôi đưa chủ đề này ra sau cuộc họp. Đúng, tôi đồng ý, nó có vẻ giống những điều trong cuốn tiểu thuyết Thế giới mới tươi đẹp hay bộ phim Gattaca. Nhưng cũng như bất kỳ một câu chuyện khoa học viễn tưởng hay ho nào, đã có những yếu tố trở thành sự thật. Vào tháng 11 năm 2018, một nhà khoa học trẻ người Trung Quốc từng tham dự một số hội thảo về chỉnh sửa gen của Doudna đã sử dụng CRISPR để chỉnh sửa phôi thai và loại bỏ một gen sản sinh ra thụ thể cho HIV - virus gây ra AIDS. Điều này dẫn tới sự ra đời của hai bé gái sinh đôi, "những đứa trẻ sơ sinh được thiết kế" đầu tiên của thế giới.
Sự trầm trồ và rồi kinh ngạc ngay lập tức bùng nổ. Những cánh tay khua khoắng, các ủy ban được triệu tập. Sau hơn ba tỉ năm tiến hóa của sự sống trên hành tinh này, một chủng loài đã phát triển khả năng và cả gan nắm lấy quyền kiểm soát tương lai di truyền của chính mình. Dường như chúng ta đã vượt qua ngưỡng để bước vào một thời kỳ hoàn toàn mới, một thế giới mới tươi đẹp, như khi Adam và Eva cắn quả táo hay Prometheus đánh cắp ngọn lửa từ các vị thần.