Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký kết ngày 23/6, nhân chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới Việt Nam. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc đã chứng kiến lễ ký.
MOU có hiệu lực hai năm kể từ ngày ký. Trong 30 năm hợp tác cung ứng lao động, đây là bản ghi nhớ lần thứ sáu Việt - Hàn ký kết.
Tương tự các bản ghi nhớ trước đây, nội dung MOU lần này đề cập trách nhiệm của cơ quan phái cử và tiếp nhận, chi phí, quy trình tuyển chọn, giới thiệu và ký hợp đồng với ứng viên; biện pháp phòng và giảm tình trạng lao động hết hạn hợp đồng nhưng không tự nguyện về nước.
Già hóa dân số nhanh khiến Hàn Quốc thiếu hụt nhân lực trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo, đóng tàu, công nghệ thông tin, nông nghiệp, chăn nuôi, thu hoạch rau quả, thủy sản, du lịch, dịch vụ bán lẻ, điều dưỡng, giúp việc nhà. Chính phủ Hàn Quốc có nhiều điều chỉnh chính sách để thu hút nhân lực nước ngoài như tăng hạn ngạch theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), kéo dài thời gian làm việc đối với lao động nông nghiệp thời vụ, mở rộng tiếp nhận nhân lực ngành đóng tàu với nhiều ưu đãi.
Việt - Hàn có 30 năm hợp tác cung ứng và sử dụng lao động. Đến hết tháng 5, Việt Nam có gần 49.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập bình quân 1.500-2.000 USD mỗi tháng. Hơn 33.500 lao động trong số này đang làm việc theo Chương trình EPS.
Trong tháng 5-6, hai bên tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho gần 23.400 người có nguyện vọng đi làm việc trong các ngành nông, ngư nghiệp, sản xuất chế tạo và xây dựng. Kỳ thi có số lượng đăng ký lớn nhất trong 10 năm qua.
Hồng Chiêu