Ông Mạnh, 65 tuổi, quê Nam Định, bị thoái hóa khớp gối nặng, chuyển tuyến lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ thay khớp gối vào ngày 1/3. Song, bác sĩ lắc đầu, không thể mổ do khớp gối thích hợp với người bệnh đã hết.
"Khớp nhân tạo phù hợp với ông hiện đã hết hàng, chưa biết khi nào bệnh viện có", bác sĩ nói với bệnh nhân, giải thích là vẫn kê đơn thuốc uống với hy vọng giúp ông đỡ đau, chờ ngày được mổ. Ông Mạnh là một trong nhiều trường hợp khám bệnh tại Việt Đức xong phải quay về do bệnh viện chỉ đủ hóa chất, vật tư tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, trong hai ngày qua.
Trung bình, một ngày khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình của Việt Đức mổ 40-45 trường hợp. Từ ngày 1/3, bệnh viện bắt đầu hạn chế mổ phiên (mổ theo lịch hẹn ngoài cấp cứu), khoa chỉ mổ 20 ca.
"Theo xếp lịch ban đầu, ngày 1/3, tôi sẽ mổ 19 bệnh nhân, nhưng cuối cùng chỉ được duyệt mổ 9 ca cần thiết nhất. Những trường hợp khác, chúng tôi phải tư vấn cho người bệnh chờ", một bác sĩ không muốn nêu tên chia sẻ.
Theo bác sĩ, bệnh nhân đã được xếp lịch mổ nhưng phải bị hoãn, bệnh viện cho đơn thuốc để uống. Hiện bệnh viện chia 3 nhóm bệnh nhân. Nhóm một là bệnh nhân cấp cứu không thể trì hoãn phẫu thuật. Thứ hai là nhóm bệnh nhân nặng cần mổ càng sớm càng tốt, các bác sĩ sẽ cân nhắc vì bệnh nhân nặng phải xét nghiệm rất nhiều lần, vật tư tiêu tốn bằng 3-4 bệnh nhân nhẹ. Thứ ba là nhóm bệnh nhân có thể trì hoãn được, bác sĩ kê đơn thuốc trong khi chờ.
"Chúng tôi phân chia nhau quản lý các nhóm bệnh nhân, gọi điện để tư vấn cho từng trường hợp. Ngày nào số ca mổ cấp cứu ít, chúng tôi lại phẫu thuật cho bệnh nhân đã được xếp lịch, ưu tiên cho bệnh nhân là người già, bệnh nhân nặng", một bác sĩ khác cho biết.
Các bác sĩ cũng lo ngại chờ đợi mổ trong đau đớn bệnh tật sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, lao động, làm việc của người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân không tuân thủ theo hướng dẫn dùng thuốc, bệnh diễn biến nặng lên, đến lúc mổ thay vì một tổn thương có thể xuất hiện 2-3 tổn thương. Vì thế, trong tình cảnh phải chờ đợi, các bác sĩ mong muốn bệnh nhân phối hợp, dùng thuốc đúng theo hướng dẫn.
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt, đang trải qua những ngày tháng khó khăn do thiếu thốn vật tư y tế, hóa chất. Ví dụ, hóa chất xét nghiệm công thức máu thiếu, vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống cũng ít, bác sĩ chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường (vùng mổ), kim gây tê tủy sống...
Một bác sĩ cho biết tất cả bệnh nhân hồi sức tích cực, thở máy đều phải theo dõi khí máu. Nếu thiếu hóa chất khí máu, bác sĩ không biết bệnh nhân đang rơi vào tình trạng nào để kịp thời xử lý, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Thiếu thuốc chống đông cũng khiến tình trạng bệnh nhân trở nên trầm trọng. Mổ thay khớp gối, khớp háng, thay van tim mà thiếu hóa chất này thì bệnh nhân dễ dẫn đến tắc mạch, nhồi máu cơ tim, phổi, nguy cơ phải cắt cụt chi hoặc tử vong.
Ý thức được hoãn mổ có thể khiến bệnh nhân nhẹ chuyển dần sang nặng, các bác sĩ đang cố gắng khắc phục tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị thiếu yếu. "Nhiều ca mổ nội soi cần 3-4 dụng cụ nhưng hiện không có đủ, chúng tôi phải hấp lại đồ cũ hoặc dùng đồ cá nhân của mình, không tính tiền cho bệnh nhân, không thể yêu cầu bệnh nhân mua vật tư, hóa chất ở ngoài mang vào", một bác sĩ chia sẻ.
Một bác sĩ phẫu thuật khác cho biết "mấy ngày nay đang rỗi việc vì mổ ít", đồng thời lo ngại bệnh nhân dồn lại, "có thể tháng sau đầy đủ vật tư lại phải mổ ngày mổ đêm".
Ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đánh giá việc hoãn mổ ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh. "Đây là việc 'cấp cứu của cấp cứu', cần được tháo gỡ ngay lập tức", ông Giang nói, thêm rằng đang chờ Chính phủ giải quyết để có vật tư, quay lại mổ bình thường.
Những ngày trước, nhiều người dân các tỉnh đổ xô đến Việt Đức khám, mong được xếp lịch mổ sớm trước khi bệnh viện hạn chế. Theo ông Giang, trường hợp bệnh nhân vẫn đến khám và yêu cầu mổ, bác sĩ sẽ giải thích cho hiểu về tình hình của bệnh viện. Nếu bệnh nhân chấp nhận chờ, bệnh viện sẽ xếp lịch khi có hóa chất, vật tư y tế. "Bệnh viện không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người", ông Giang cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu vật tư là do những vướng mắc trong cơ chế đầu thầu, mua sắm khiến các bệnh viện bị "trói tay". Chính phủ đã nhiều lần họp với Bộ Y tế và các Bộ ngành, cơ sở y tế để gỡ khó.
Gần nhất, chiều 26/2, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về sửa đổi một số quy định liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Nội dung thí điểm trong thời gian chờ Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực (1/1/2024) gồm: Đấu thầu vật tư y tế kèm theo cung cấp máy, thiết bị xét nghiệm và báo giá gói thầu trong các trường hợp.
Ông Trần Hồng Hà giao Bộ Y tế hoàn thành sửa đổi thông tư về danh mục thuốc đấu thầu, đấu thầu tập trung, thuốc được đàm phán giá, trước 15/4. Tinh thần là danh mục thuốc mà phần lớn bệnh viện có nhu cầu sử dụng sẽ tập trung đấu thầu ở trung ương để giảm giá thành và chi phí cho người bệnh. Các địa phương, bệnh viện đấu thầu danh mục thuốc còn lại.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành nhanh chóng góp ý dự thảo thông tư sửa đổi về đấu thầu thuốc trong bệnh viện công, gửi Bộ Y tế trong ngày 28/2 để sớm ban hành thông tư. Quá thời hạn, đơn vị nào không có ý kiến, được coi là đồng ý với dự thảo và chịu trách nhiệm về quan điểm đó.
Các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ phối hợp sửa quy định về quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số lưu hành theo hướng hậu kiểm thay tiền kiểm trong tháng 3.
Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tại một số bệnh viện trong quý I/2023.
Lê Nga