Sáng 28/2, hàng trăm bệnh nhân cùng người nhà đứng, ngồi tại khu vực khám bệnh để chờ đợi đến lượt. Ngồi ở ghế đầu, ngay cửa phòng khám, bà Mai 52 tuổi, quê Nam Định, thấp thỏm chờ bác sĩ gọi đến lượt. Bà bị thoái hóa gối, gần đây đau nhiều, do công việc buôn bán bận rộn nên vẫn trì hoãn mổ.
"Nghe thông tin bệnh viện chuẩn bị hạn chế mổ, tôi phải đóng cửa quán để lên Hà Nội ngay tranh thủ khám, xin bác sĩ xếp lịch sớm xem sao", bà Mai lo lắng.
Cạnh bà Mai, ông Đoan, quê Phú Thọ, bị tiêu chỏm xương đùi phải ngồi xe lăn. Trước khi đến viện, ông đã tham khảo ý kiến của bác sĩ quen và biết bệnh của ông chắc chắn phải phẫu thuật. Chưa kịp đến Việt Đức thì nghe tin "hạn chế", ông tức tốc đi khám ngay với hy vọng được lên lịch trong một, hai hôm nữa. "Bệnh viện thông báo chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, trường hợp của tôi không rõ có được ưu tiên không. Nếu phải chờ thì bệnh của tôi chuyển nặng mất", ông Đoan chia sẻ.
Tại khu khám chuyên khoa chấn thương chỉnh hình hay khu cột sống, các bệnh nhân đều chung tâm lý lo lắng "không được mổ". Chị Hằng 35 tuổi, đưa mẹ từ Nghệ An ra khám cột sống, đã chuẩn bị đủ tư trang sẵn sàng, song bác sĩ nói "muốn mổ phải chờ, nếu muốn sớm có thể sang bệnh viện khác".
"Mẹ tôi đã có chỉ định phẫu thuật nhưng lịch của bệnh viện đã kín, chưa biết ngày nào đến lượt. Hai mẹ con tôi chắc lại khăn gói về quê, đành chờ đợi", chị Hằng cho biết.
Nhiều người nhà bệnh nhân chia sẻ rằng bình thường đi khám, có chỉ định mổ thì cũng phải chờ trung bình một tuần. Nay, bệnh viện còn hạn chế thì không biết đến khi nào mới đến lượt.
Cả các bác sĩ cũng nặng tâm tư. Một bác sĩ không muốn nêu tên, chia sẻ "buồn vì điều chưa bao giờ xảy ra là bệnh viện phải hạn chế lịch mổ theo kế hoạch để dồn vật tư y tế cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu".
"Cả trăm bệnh nhân đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng 3. Giờ tất cả phải hoãn lại", bác sĩ khác cho biết và bày tỏ sự ái ngại khi gọi điện thoại báo cho những bệnh nhân của mình hoãn nhập viện. Bác sĩ cũng cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi đầy lo lắng từ người nhà bệnh nhân, như "bố đau quá rồi, chờ lâu quá rồi", "chờ mổ lâu thế có sao không bác sĩ".
Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt của Bộ Y tế, trung tâm ngoại khoa hàng đầu khu vực phía Bắc. Từ năm 2022 đến nay, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, điều trị, chờ phẫu thuật.
GS. TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nhìn nhận khi bệnh viện hoãn mổ phiên vì thiếu vật tư, hóa chất thì rõ ràng người bệnh quá thiệt thòi, phải chờ đợi lịch mổ. "Nhưng chúng tôi không thể tay không bắt giặc, không có vật tư, hóa chất, không thể phẫu thuật bằng mồm", ông Giang nói, thêm rằng đang chờ Chính phủ giải quyết để có vật tư, tiếp tục tiến hành các ca mổ như bình thường.
Trong tình trạng vẫn thiếu vật tư, hóa chất, từ ngày 1/3 bệnh viện ưu tiên cho mổ cấp cứu. Theo ông Giang, bác sĩ lâm sàng sẽ đánh giá đúng tình trạng cấp cứu của người bệnh để tiến hành hồi sức, mổ cấp cứu. Đồng thời, các bác sĩ cân nhắc ra chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết hoặc trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các khoa xét nghiệm trước khi ra chỉ định. Với trường hợp cấp cứu, yêu cầu hồ sơ bệnh án phải ghi đầy đủ tình trạng cấp cứu của người bệnh để ra chỉ định mổ.
Trường hợp bệnh nhân vẫn đến khám và yêu cầu mổ, bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân hiểu về tình hình của bệnh viện. Nếu bệnh nhân chấp nhận chờ, bệnh viện sẽ xếp lịch khi có hóa chất, vật tư y tế.
"Bệnh viện cũng không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người", ông Giang cho biết.
Tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại nhiều bệnh viện từ giữa năm 2022. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần chỉ đạo giải quyết, nhưng gần đây nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy tiếp tục xảy ra tình trạng này. Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu do vướng mua sắm máy móc, hóa chất xét nghiệm.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức hôm 23/2 cho biết chỉ còn đủ hóa chất khí máu dùng một tuần, hóa chất ghép tạng hai tuần. Do đó, từ ngày 1/3, bệnh viện hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên cấp cứu, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết do thiếu vật tư, hóa chất.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do những vướng mắc trong cơ chế đầu thầu, mua sắm khiến các bệnh viện bị "trói tay". Chính phủ đã nhiều lần họp với Bộ Y tế và các Bộ ngành, cơ sở y tế để gỡ khó tình hình này.
Gần nhất, chiều 26/2, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về sửa đổi một số quy định liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Nội dung thí điểm trong thời gian chờ Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực (1/1/2024) gồm: Đấu thầu vật tư y tế kèm theo cung cấp máy, thiết bị xét nghiệm và báo giá gói thầu trong các trường hợp.
Ông Trần Hồng Hà giao Bộ Y tế hoàn thành sửa đổi thông tư về danh mục thuốc đấu thầu, đấu thầu tập trung, thuốc được đàm phán giá, trước 15/4. Tinh thần là danh mục thuốc mà phần lớn bệnh viện có nhu cầu sử dụng sẽ tập trung đấu thầu ở trung ương để giảm giá thành và chi phí cho người bệnh. Các địa phương, bệnh viện đấu thầu danh mục thuốc còn lại.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành nhanh chóng góp ý dự thảo thông tư sửa đổi về đấu thầu thuốc trong bệnh viện công, gửi Bộ Y tế trong ngày 28/2 để sớm ban hành thông tư. Quá thời hạn, đơn vị nào không có ý kiến, được coi là đồng ý với dự thảo và chịu trách nhiệm về quan điểm đó.
Các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ phối hợp sửa quy định về quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số lưu hành theo hướng hậu kiểm thay tiền kiểm ngay trong tháng 3.
Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị tại một số bệnh viện trong quý I/2023.
Lê Nga