Mỗi người dân Philippines thường được gọi bằng một biệt danh, và Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Ronald Dela Rosa cũng không phải là ngoại lệ. Ông thường được mọi người gọi là "Bato", có nghĩa là "Đá tảng" trong tiếng Philippines, theo CNN.
Tư lệnh Dela Rosa trở nên nổi tiếng khắp Philippines nhờ mối quan hệ thân cận với tân Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông cũng được biết tới với vai trò là người chỉ đạo chiến dịch tiễu trừ tội phạm ma túy gây tranh cãi ở nước này, với khoảng 2.400 người đã bị bắn chết chỉ trong hai tháng thực hiện chiến dịch.
Dela Rosa có biệt danh "Đá tảng" ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp cảnh sát, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Philippines và được phân công về thành phố quê nhà Davao công tác.
"Khi cấp trên lần đầu tiên nhìn thấy tôi, họ rất ấn tượng với thể hình rắn chắc của tôi, và họ gọi tôi là Bato. Tôi có biệt danh này vì hình dáng cơ thể của mình", ông cho biết. "Sau đó, họ nhận ra tôi sinh ra và lớn lên ở Barangay Bato, quận Santa Cruz, và cái biệt danh ấy theo tôi đến giờ, không thể thay đổi được nữa".
Từ làng Barangay Bato tới Bộ tư lệnh cảnh sát
"Đá tảng" đã phải trải qua một hành trình dài từ thời niên thiếu ở ngôi làng Barangay Bato để trở thành người đứng đầu lực lượng hành pháp Philippines, và một phần trong hành trình ấy gắn liền với hình ảnh của ông Duterte.
Khi Tổng thống Philippines còn là thị trưởng thành phố Davao, ông Dela Rosa đã được tin tưởng, cất nhắc vào vị trí cảnh sát trưởng, và trở thành cánh tay phải của Duterte trong chiến dịch truy quét tội phạm quyết liệt ở vùng đất này.
Trả lời phỏng vấn CNN, Dela Rosa cho hay ông và Duterte đã quen biết nhau 30 năm, và hai người thân nhau tới mức "Đá tảng" dường như có mối liên hệ thần giao cách cảm với "Kẻ trừng phạt", biệt danh mọi người thường gọi ông Duterte.
"Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, trong mối quan hệ gắn bó rất lâu. Ông ấy biết tôi có thể làm được gì, và tôi biết ông ấy muốn làm điều gì", Dela Rosa nói.
"Chúng tôi chẳng cần phải nói thành lời vẫn có thể hiểu được nhau, thông qua thần giao cách cảm. Với tôi, ông ấy là nhà lãnh đạo giỏi nhất trên đời. Ông ấy là nhà lãnh đạo giản dị và thẳng thắn", Tư lệnh cảnh sát Philippines tâm sự.
Dưới thời của Thị trưởng Duterte và cảnh sát trưởng Dela Rosa, Davao đã lột xác từ một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm cao nhất Philippines thành thành phố yên bình nhất nước, kết quả của chiến dịch chống tội phạm mạnh tay mà "Kẻ trừng phạt" phát động, dưới sự ủng hộ và thi hành đắc lực của "Đá tảng".
Một trong những biện pháp vãn hồi trật tự gây tranh cãi mà hai người này đã áp dụng ở thành phố là các "Biệt đội Tử thần Davao" (DDS). Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền, DDS do các cảnh sát đương chức hoặc nghỉ hưu điều hành, được cung cấp vũ khí, đạn dược và thông tin về mục tiêu.
Các thành viên Biệt đội Tử thần thường cưỡi trên những chiếc xe mô tô không gắn biển số, nhanh chóng áp sát và nổ súng tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy, các ông trùm tội phạm và rồ ga tẩu thoát, trong khi cảnh sát địa bàn phải rất lâu sau mới tới nơi. Một số thông tin cho rằng các thành viên DDS được trả từ 114 tới 1.147 USD cho mỗi vụ tiêu diệt tội phạm như vậy.
Dù biện pháp này gây ra rất nhiều tranh cãi, nó lại đem đến danh tiếng trên cả nước cho ông Duterte và cánh tay phải Dela Rosa. Với tiếng tăm lẫy lừng đó, ông Duterte dễ dàng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Sau khi trở thành Tổng thống, ông nhanh chóng đưa thiếu tướng "Đá tảng" về Manila, ngồi vào chiếc ghế Tư lệnh cảnh sát quốc gia, tiếp tục cùng ông phát động chiến dịch truy quét tội phạm ma túy trên cả nước.
"Tôi không thích cuộc sống ở Manila lắm. Davao là thành phố kỷ luật hơn nhiều, chúng tôi có tỷ lệ tội phạm rất thấp", thiếu tướng Dela Rosa nói.
Nỗi kinh hoàng với tội phạm
Thực tế đã cho thấy "Kẻ trừng phạt" và "Đá tảng" đã làm việc rất ăn ý với nhau trong chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy ở Philippines. Khi Tổng thống Duterte yêu cầu cảnh sát mạnh tay trấn áp tội phạm theo mô hình ở Davao, với lời hứa sẽ quét sạch tệ nạn ma túy ở Philippines trong một thời gian ngắn, tướng Dela Rosa đã lập tức thi hành những biện pháp mạnh tay của mình.
Một trong những chiến thuật trấn áp tội phạm được ông Dela Rosa áp dụng thành công tại Davao là "tokhan", hay "gõ cửa và cam kết", và nay ông đang nhân rộng hình thức này trên cả nước.
Trong các cuộc truy quét kiểu "tokhan", các đội cảnh sát được vũ trang hạng nặng tuần tra các khu vực dân cư xung quanh, lịch sự gõ cửa nhà các đối tượng tình nghi sử dụng ma túy, và yêu cầu họ đến trụ sở chính quyền trình diện để cam kết không tái phạm.
Hình thức này đã chứng minh mức độ thành công ngoài mong đợi. Chỉ trong vòng hai tháng, hơn 700.000 người nghiện đã "tự nguyện" ra trình diện chính quyền và cam kết không tiếp tục sử dụng ma túy. Những ai cố tình chống lại sẽ nhận kết cục không mấy tốt đẹp trước đội hình cảnh sát đang dàn thế trận với đầy đủ súng ống trong tay.
Tuy nhiên, đến nay Dela Rosa chưa ban hành bất cứ văn bản nào hướng dẫn cảnh sát địa phương thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm như thế nào, tất cả đều được thi hành bằng mệnh lệnh miệng.
"Chúng tôi không cần một chiến lược quốc gia. Chúng tôi đã làm điều này trong một thời gian dài", ông Dela Rosa trả lời câu hỏi về chiến lược truy quét tội phạm ma túy.
Chỉ trong hai tháng qua, Dela Rosa cho biết thuộc cấp của ông đã tiến hành 6.000 đợt truy quét, bắt giữ 10.153 nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy, tịch thu số ma túy trị giá 51 triệu USD. Ít nhất 756 nghi phạm đã bị cảnh sát bắn chết trong các cuộc truy quét đó, cùng với 1.160 vụ nổ súng bắn chết người có liên quan tới ma túy trên khắp đường phố, trong đó có nhiều vụ do người dân thực hiện nhắm vào tội phạm bán lẻ ma túy.
Liên Hợp Quốc và Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các vụ bắn chết người không qua xét xử này. Bản thân Dela Rosa cũng nói rằng ông ghét các vụ giết người như vậy, nhưng số người chết tăng vọt trong cuộc chiến chống ma túy như vậy cũng "có nhiều lợi ích".
"Tôi cảm thấy thương xót cho những kẻ vừa mất mạng, nhưng đồng thời cũng nhận thấy chúng ta đã bớt đi một kẻ buôn bán ma túy", ông nói về cảm xúc của mình khi nhìn những bức ảnh nghi phạm ma túy bị bắn hạ.
Dela Rosa đã tự đặt ra thời hạn 6 tháng để chứng minh hiệu quả của chiến dịch truy quét tội phạm ma túy. "Nếu thất bại, tôi sẽ từ chức. Lúc đó tôi sẽ xin ông Duterte cho tôi từ bỏ vị trí, bởi tôi không thể chiến thắng trong cuộc chiến này".
"Đá tảng" thừa nhận rằng việc đặt ra mục tiêu quét sạch tội phạm ma túy ở một quốc gia như Philippines là điều phi thực tế, nhưng ông vẫn bảo vệ quan điểm đó. "Một khi bạn đặt ra mục tiêu rất cao, bạn có thể đạt được những thứ chấp nhận được", cánh tay phải của ông Duterte nhấn mạnh.
Xem thêm: 45 tội phạm bị bắn chết sau 4 ngày tổng thống Philippines nhậm chức
Trí Dũng