Sáng 12/1, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, ở những nhiệm kỳ trước đây, các cơ quan chỉ tuyên án mà không tính đến việc thu hồi tài sản. "Lúc đó, thu hồi được hay không là việc của thi hành án - bước cuối cùng của tố tụng", ông nói.
Ở nhiệm kỳ này, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng yêu cầu ngay từ đầu khi khởi tố vụ án, điều tra, các cơ quan phải quan tâm đến thu hồi tài sản, và tiếp tục thực hiện khi truy tố, xét xử. Từ nhiệm vụ chính trị đó, sự phối hợp giữa các cơ quan đã nhuần nhuyễn hơn, hàng loạt thủ tục hỗ trợ được ban hành.
Vì thế, theo Viện trưởng, để thu hồi tài sản tham nhũng, đồng thời phòng ngừa và chống tham nhũng, cần phải ban hành Luật Đăng ký tài sản.
"Hiện kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị, nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên. Thực tế có những người ngoài 20 tuổi đã đứng tên khối tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được vì vướng quyền sở hữu của công dân", ông nói.
Nếu có luật Đăng ký tài sản, khi một người đăng ký tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị "thăm hỏi" ngay. Đây cũng là cơ sở pháp lý để xử lý, "không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng".
Nếu không có luật, các cơ quan chức năng có cố gắng thu hồi đến mấy cũng chỉ đến một ngưỡng nào đó rồi dừng lại, bởi "bát nước đổ đi, khi hốt lại không bao giờ đầy được nữa". "Tôi đã kiến nghị vài lần vấn đề này, đây là công cụ kèm theo để tăng cường minh bạch, chứng minh tài sản...", ông Trí nói.
Trước đó, trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ, ông Trí cho hay, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới hơn 375.800 vụ, tăng 1,2% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Toàn ngành kiểm sát đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại cơ quan điều tra... Từ kiểm sát, ngành đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, tăng 64%. Viện kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố gần 150 vụ án, hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án.
"Tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng", ông nói.
Cũng trong cuộc họp hôm nay, báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm năm qua, các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được trên 2,38 vụ, đạt 97,6%. So với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng khoảng 624.500 vụ, giải quyết tăng 594.500 vụ.
Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, các tòa án đã đưa ra xét xử gần 7.500 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo. Các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đã được áp dụng để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, nhiệm kỳ qua, Tòa án nhân dân đã giải quyết án hình sự đạt 99,5%, vượt 11,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội; căn bản khắc phục được việc để án quá thời hạn. Hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định. Riêng án kinh tế, tham nhũng, không có nào để quá thời hạn.
"Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Việc tòa án bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho các bên thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ luật định", bà Nga nêu.