Phát biểu trước Quốc hội về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại phiên thảo luận sáng 24/10, ông Lê Minh Trí nói những năm gần đây, việc này có kết quả tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu.
"Dù rất quyết tâm kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng cần tuân thủ pháp luật. Với quy định hiện hành, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể niêm phong, kê biên, nhất là khi các cơ quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước", ông nói và giải thích thêm nếu kê biên không đúng, người dân có quyền khởi kiện.
Theo Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, cần xây dựng Luật Đăng ký tài sản, vì khi không có luật thì "còn một khoảng trống trong việc thu hồi tài sản tham nhũng". Nguyên nhân là cơ quan chức năng mới kiểm soát được tài sản trong hệ thống chính trị, còn lại là tài sản do những người ở ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm hữu.
"Nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì người tham nhũng sẽ che giấu bằng cách nhờ người khác đứng tên, từ ôtô đến nhà đất. Cho dù cơ quan chức năng biết những tài sản đó có nguồn gốc bất minh, nhưng không làm gì được", ông Trí nói.
Bên cạnh hoàn thiện chính sách, ông cũng kiến nghị Chính phủ có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt, khi hoạt động kinh tế minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt kết quả tốt.
Ông Thạch Phước Bình (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Trà Vinh) cho rằng thực tiễn tố tụng và thi hành các bản án trong thời gian qua cho thấy pháp luật về kê biên tài sản đang bộc lộ sự bất cập, khiến việc thu hồi tài sản nhà nước gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là các vụ đại án đạt tỷ lệ thấp.
Theo ông, sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản hợp pháp. Mặc dù theo quy định của pháp luật, tài sản có nguồn gốc phạm tội dù đã chuyển dịch quyền sở hữu cho người khác cũng bị kê biên, phong tỏa, để bảo đảm thi hành án, song để làm rõ nguồn gốc tài sản bất minh không dễ.
Ông Phước Bình đánh giá, tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn. Họ sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc một phần tài sản phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền và việc sử dụng tiền nên rất khó phát hiện, thu hồi.
Vì vậy, ông đề nghị xem xét hoàn thiện quy định liên quan đến thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt thông qua thủ tục kết tội. Việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án không phải chờ đến khi khởi tố bị can, đến khi phiên tòa diễn ra, mà có thể vận dụng linh hoạt kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm, cho đến khi khởi tố vụ án, bị can, truy tố và xét xử...
Ngoài ra, việc kê biên không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế.
Tại phiên thảo luận chiều qua (23/10), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học) nhắc lại báo cáo của Chính phủ cho biết trong các vụ án kinh tế chỉ thu hồi được 5% số tiền vi phạm, giảm so với năm trước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đề cập nguyên nhân của thực trạng này. "Có phải do số vụ việc thi hành không đủ điều kiện thi hành hay do nguyên nhân khách quan vì dịch bệnh mà không thi hành được", bà Thủy băn khoăn.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1/10/2020 đến 30/9, gần 4.800 việc phải thi hành liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế; tổng số tiền phải thi hành là hơn 72.000 tỷ đồng; đã thu được hơn 4.000 tỷ đồng; đang thi hành hơn 34.000 tỷ đồng.
Cũng tại phiên thảo luận, đề cập đến việc quyên góp cứu trợ, từ thiện, đại biểu Phan Thái Bình (Ủy ban Pháp luật) nói "thời gian qua đã có những tranh cãi trên mạng xã hội".
Theo ông, công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoạt động nhân đạo, từ thiện luôn được quan tâm, "nhưng đã xảy ra tình trạng nói xấu nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống".
"Tôi đề nghị các cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp vào cuộc mạnh mẽ để trả lời cho công luận rõ đúng sai", ông Bình nói.
Theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, điều 331 Bộ Luật Hình sự đã quy định rõ tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thời gian tới, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét hành vi này, xử lý để đảm bảo trật tự, kỷ cương xã hội.
Hoàng Thùy - Viết Tuân