Gia đình đưa bé đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, ngày 7/7, sau hơn ba ngày xảy ra sự việc.
Bác sĩ Nguyễn Tường Thi cho biết ảnh chụp X-quang cho thấy viên pin nằm rất sâu trong hốc mũi. Mũi bé chảy máu nhiều, axit của pin đang phá hủy hốc mũi, thành mũi, không thể gây tê để lấy dị vật mà phải thực hiện gây mê.
Sau hai giờ phẫu thuật nội soi, viên pin được lấy ra thành công. Ngày 10/7 bé khỏe, xuất viện song phải tái khám theo dõi định kỳ do hốc mũi và thành mũi bị phá hủy bởi axit để lại di chứng về sau.
Theo bác sĩ Thi, dị vật mũi thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng ở trẻ em. Trẻ khi chơi đùa thường nghịch ngợm nhét những vật dụng, thực phẩm vào mũi như hạt nhựa, cúc áo, hạt đậu...
Bác sĩ lưu ý phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ chơi với các loại đồ chơi pin điện tử, do trẻ có thể cho vào miệng mũi. Tính chất ăn mòn do axit của pin rất nguy hiểm, khi lấy ra khỏi cơ thể vẫn có thể tiếp tục khiến tổn thương nghiêm trọng.
Khi trẻ có biểu hiện bất thường như khó thở, chảy nước mũi nhiều và đặc biệt là chảy máu, hãy kiểm tra trong mũi bé có gì lạ hay không. Nếu phát hiện dị vật, cần đến khám chuyên khoa tai mũi họng để gắp càng sớm càng tốt. Nếu để muộn sẽ khó lấy dị vật, gây biến chứng viêm mũi.
Trẻ nhét pin vào mũi dễ bị thủng vách ngăn mũi, hủy các cuốn mũi, tổn thương cấu trúc bên trong... Nhét pi vào tai có thể thủng màng nhĩ, thủng các xương con, giảm thính lực. Trẻ nuốt pin vào thực quản sẽ thủng thực quản.