Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng, TP HCM, cho biết tai bé nhỏ nên khó quan sát. Nội soi hôm 30/8 thấy tai viêm có nhiều mô hoại tử trắng đen, hình ảnh viên pin không rõ, đến khi chụp CT mới phát hiện dị vật kim loại kích thước 8 mm ở ống tai.
Dưới kính hiển vi, bác sĩ xác định dị vật là một viên pin tròn, song rất khó để gắp ra. Các bác sĩ dự định sẽ mổ sau tai bé, mài xương và lấy viên pin ra. May mắn sau một lúc, viên pin được gắp thành công, tai bé sau đó khô, hết chảy dịch nhưng bị thủng màng nhĩ nên phải điều trị lâu dài.
"Đo thính lực sức nghe của bé kém, dẫn truyền âm thanh ở mức độ trung bình vì màng nhĩ thủng hoàn toàn, phần xương búa trong tai bị hoại tử mất một phần", bác sĩ Thúy nói.
Phó giáo sư Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết pin điện tử, pin cúc áo thường có trong đồ chơi trẻ em. Pin này nguy hiểm do kích thước nhỏ, trẻ dễ tháo ra, dễ nhầm với kẹo nên ăn hoặc nhét vào mũi, tai, miệng. Pin kẹt trong cơ thể sẽ tạo ra một dòng điện khi tiếp xúc với niêm mạc gây bỏng nặng.
Pin có hóa chất nên tính ăn mòn cao, khi lấy ra khỏi cơ thể vẫn có thể tiếp tục khiến vết thương nghiêm trọng và gây bỏng gọi là bỏng lạnh, nguy hiểm hơn bỏng nóng nhiều lần. Trẻ nhét pin vào tai dưới 24 giờ lấy ra kịp thời có thể tổn thương nhẹ, trên 24 giờ sẽ cực kỳ nguy hiểm. Trẻ có thể thủng màng nhĩ, thủng các xương con, giảm thính lực, phải mổ tai để vá lại màng nhĩ hoặc chỉnh xương con cải thiện thính lực. Trẻ nhét pin vào mũi sẽ bị thủng vách ngăn mũi, hủy các cuốn mũi, tổn thương cấu trúc bên trong mũi. Trẻ nuốt pin vào thực quản sẽ thủng thực quản...
Bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ đồ chơi kích thước nhỏ, có thể tháo rời, không chọn đồ chơi sử dụng pin điện tử. Dạy trẻ không được nhét đồ vật vào tai hay mũi họng.