Ngày 29/12, phiên tòa phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng tiếp tục với phần đối đáp của VKS Tối cao và các luật sư.
Do luật sư Nguyễn Văn Ngoan - bào chữa cho Huyền Như - cùng 5 luật sư bảo vệ Vietinbank đều có quan điểm giống nhau và trái ngược với quan điểm của VKS nên kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thế Thành đối đáp chung. Ông khẳng định, việc Như lợi dụng quyền hạn của trưởng phòng giao dịch, tiếp đó làm giả các chứng từ, lệnh chi... cùng với những sơ hở trong quản lý của Vietinbank là nguyên nhân dẫn đến việc chiếm đoạt được tiền của khách hàng. Theo VKS, hành vi phạm tội này của Như có dấu hiệu Tham ô tài sản.
"Trong đánh giá chứng cứ không bao giờ được cắt xén hành vi mà phải đánh giá xâu chuỗi. Huyền Như có âm mưu chiếm đoạt tiền từ trước, sau đó để lấy được tiền bị cáo thực hiện hàng loạt hành vi khác”, VKS nhấn mạnh và khẳng định Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Thịnh, Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu, Công ty An Lộc và Công ty Cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS) đã chuyển tiển vào tài khoản hợp pháp của họ tại Vietinbank sau đó mới bị Huyền Như chiếm đoạt.
Người giữ quyền công tố tại tòa phân tích, ngân hàng là một tổ chức đặc biệt có thể chế hoạt động chặt chẽ. Bản chất hoạt động tín dụng của ngân hàng là huy động vốn, bản chất pháp lý của việc huy động vốn là phát sinh quan hệ gửi - giữ và trong đó ngân hàng là trung gian tín dụng. Ngân hàng huy động vốn dưới nhiều hình thức và tiếp nhận nguồn vốn dưới hình thức mở tài khoản cho khách hàng.
Tài khoản thanh toán được xác định là tiền gửi không kỳ hạn. Trong vụ án này theo nhận thức của các nguyên đơn dân sự, việc chuyển tiền vào tài khoản thanh toán chỉ là bước trung gian tạm thời để chuyển sang tài khoản tiết kiệm. Dòng tiền không ngừng lưu thông trong hệ thống ngân hàng và tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Thực tế, Huyền Như đã thực hiện hàng loạt các lệnh chi để chiếm đoạt số tiền lớn của khách hàng trong tài khoản thanh toán nhưng Vietinbank không kiểm soát được.
"Việc khách hàng gửi tiền vào Vietinbank đã phát sinh quan hệ gửi - giữ. Tiền đã gửi vào ngân hàng thì ngân hàng phải giữ. Ngân hàng không giữ thì ai giữ? Khách hàng muốn rút tiền từ tài khoản của mình thì cũng phải đến gặp Vietinbank. Bởi vậy, Vietinbank phải có trách nhiệm trong việc quản lý tiền trong tài khoản của khách hàng", VKS phân tích.

VKS không đồng tình với quan điểm của các luật sư cho rằng Như chỉ phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: V. Vũ.
Theo Viện, dù Huyền Như có giăng bẫy cỡ nào thì cũng không lấy được tiền của khách nếu ngân hàng đã làm đúng quy trình thủ tục. "Vì vậy, Vietinbank mới chính là đơn vị bị Huyền Như lừa. Bị cáo đã lợi dụng chức vụ của mình để chiếm đoạt tài sản trong hệ thống Ngân hàng Vietinbank chứ không thể nói tiền của khách hàng đã bị Như lừa đảo chiếm đoạt", VKS cho biết.
"Việc Như sử dụng danh nghĩa của Vietinbank để chiếm đoạt tiền khách hàng là điều hiển nhiên không phải bàn cãi. Bởi nếu không có danh nghĩa của Vietinbank thì Huyền Như không thể nhân danh công ty của mình để huy động số tiền gửi lớn của khách hàng như vậy", ông Thành nói thêm.
Liên quan việc luật sư Vietinbank cho rằng khách hàng có lỗi trong việc không theo dõi số dư trên tài khoản của mình để Huyền Như lợi dụng chiếm đoạt, VKS nói: "Ngay cả khi tiền của khách hàng bị chiếm đoạt và khách hàng nhận được tin báo số dư trên tài khoản có sự thay đổi thì tiền của họ cũng đã rút mất rồi. Còn việc nói khách hàng sai trong việc mở tài khoản không đúng thủ tục là không đúng. Bởi thủ tục mở tài khoản là do ngân hàng thực hiện cho khách hàng".
Đối với quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Ngân hàng ACB và Navibank, VKS đồng tình với những thiếu sót của bản án sơ thẩm nhưng cho rằng "những thiếu sót này không nghiêm trọng". VKS cũng đồng tình là tiền của các ngân hàng này đã được chuyển vào Vietinbank và được hoạch toán; nguồn gốc tiền gửi có thể không làm thay đổi trách nhiệm của người nhận gửi. Tuy nhiên, về bản chất, tiền gửi và hành vi gửi tiền này khác so với 5 đơn vị trên.
Theo cơ quan công tố, ACB và Navibank cũng là những tổ chức tín dụng, việc các ngân hàng này mang tiền sang Vietinbank gửi đã vi phạm quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi và lãi suất. Trong đó, Navibank thực hiện tiền gửi bằng các hợp đồng giả tạo với nhân viên trước khi đem tiền đi gửi, còn ACB thì do Huỳnh Bảo Ngọc (nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro của ACB) móc nối với Như để lấy lãi suất ngoài.
Các tài khoản tiền gửi của hai ngân hàng này mở tại Vietinbank là những tài khoản được sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Các nhân viên mở tài khoản không có mục đích sử dụng tài khoản. Hành vi sai phạm của ACB, Navibank diễn ra trong bối cảnh nhà nước đang siết chặt quản lý trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng này chỉ vì lợi ích cục bộ mà thực hiện hành vi trái pháp luật để Như chiếm đoạt số tiền này. Bởi vậy, VKS vẫn bảo lưu quan điểm "hai ngân hàng này không được pháp luật bảo vệ".
Với phần bào chữa của các luật sư cho những bị cáo là đồng phạm với Như về tội Lừa đảo, hay các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Cho vay lãi nặng, VKS giữ nguyên quan điểm khi đề nghị HĐXX bác hầu hết các kháng cáo xin giảm nhẹ và kêu oan.
VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét việc một số bị cáo là cán bộ các ngân hàng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh phạm tội do bị Như chỉ đạo... để giảm một phần hình phạt.
Hải Duyên