Nó không chỉ khiến hàng nghìn người phẫn nộ, mà còn là cái mốc đánh dấu sự sụp đổ của một cái tên từng được xem là biểu tượng truyền cảm hứng - Quang Linh Vlogs.
Từng là hình mẫu của một Youtuber "sạch" và ý nghĩa, Quang Linh không đi theo lối mòn thị phi hay chiêu trò. Anh nổi lên từ những video giản dị quay tại Angola, nơi anh và nhóm bạn đồng hành cùng người dân châu Phi trong việc canh tác nông nghiệp, xây dựng cuộc sống.
Người ta quý mến anh không chỉ vì sự kiên trì hay lòng tốt, mà còn vì cảm giác chân thật - một thứ hiếm hoi trong thế giới sáng tạo nội dung số đầy màu mè.
Nhưng rồi, Quang Linh chuyển dần sang lĩnh vực livestream bán hàng, bắt nhịp với xu hướng "creator kinh doanh" đang rộ lên trong vài năm trở lại đây. Từ chuyện làm vlog giúp đỡ bà con, anh chuyển sang chào bán những sản phẩm như viên ngậm rau củ với lời quảng cáo gây dư luận.
Đỉnh điểm là phát ngôn "một viên kẹo bằng một dĩa rau" khiến dư luận bùng nổ tranh cãi, người mua hàng lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc, Quang Linh Vlogs và Hằng "du mục" bị bắt vì cáo buộc lừa dối khách hàng.
Cái tên từng là niềm tin của nhiều người phút chốc biến thành tâm điểm của sự thất vọng.
Sự việc của Quang Linh không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó, không ít người nổi tiếng, từ nghệ sĩ đến hot TikToker, đã bị phạt hoặc điều tra vì quảng cáo sai sự thật. Điều này cho thấy một xu hướng: càng nổi tiếng, càng dễ kiếm tiền từ việc bán hàng online nhưng cũng càng dễ mắc sai lầm nếu không kiểm soát được lòng tham hoặc thiếu hiểu biết pháp lý.
Vấn đề là, người nổi tiếng không phải lúc nào cũng là người có chuyên môn về sản phẩm. Nhưng vì sức ảnh hưởng lớn, họ dễ trở thành người lựa chọn thay cho người tiêu dùng. Họ bán gì cũng có người tin, giới thiệu gì cũng có người mua. Và nếu không có sự chuẩn mực hoặc kiểm chứng, cái giá phải trả không chỉ là tiền phạt, mà là sự sụp đổ của hình ảnh, lòng tin và cả sự nghiệp.
Đây là kết quả của một chuỗi lựa chọn sai lầm. Từ việc dần rời xa giá trị ban đầu, đến việc chạy theo lợi nhuận và xu hướng mà thiếu đi sự tỉnh táo. Một người từng sống vì cộng đồng, nhưng lại quên mất trách nhiệm với chính cộng đồng đó khi trở thành người có ảnh hưởng.
Người ta tiếc cho Quang Linh là bởi sự sụp đổ này không phải của một nhân vật gây tranh cãi, mà là của một biểu tượng từng rất được yêu mến. Nhưng chính vì vậy, cú ngã lại càng đau.
Trong thời đại với một chút dụng công xây dựng hình ảnh rồi livestream bán hàng, ranh giới giữa truyền cảm hứng và lợi dụng niềm tin ngày càng mong manh. Người nổi tiếng cần hiểu rằng ảnh hưởng đi kèm với trách nhiệm. Còn người xem cũng cần tỉnh táo hơn, đừng vì yêu mến ai đó mà đặt niềm tin mù quáng vào mọi sản phẩm họ bán.
Niềm tin, một khi đã đánh mất, rất khó để xây lại. Và sự nổi tiếng, nếu không đi cùng sự tử tế, cũng chỉ là lớp sơn dễ trôi trong mưa gió của thị trường.
Quang Hà