Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết trước đây bệnh nhân truyền nhiễm phải điều trị ở các khoa hoặc phải chuyển sang các bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, dẫn đến điều trị chưa đạt tối ưu. Hiện, khoa sẽ phụ trách điều trị, chăm sóc người bệnh nội trú, ngoại trú và giảm hại các biến chứng, di chứng của bệnh ngay tại bệnh viện. Điều này sẽ giúp giảm lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh và giảm chi phí cũng như thời gian điều trị.
"Các bệnh nhân được chăm sóc và điều trị đa khoa, bệnh viện nằm ở trung tâm thành phố có thể hỗ trợ người bệnh tốt nhất", bác sĩ nói.
Khoa gồm một khu sàng lọc Covid-19, một phòng khám bệnh nhiệt đới để sàng lọc các mặt bệnh truyền nhiễm và phòng khám để điều trị nội trú. Nhiệm vụ khám và điều trị các bệnh lý truyền nhiễm cấp tính như hô hấp tiêu hóa; các bệnh gây dịch như sốt xuất huyết, cúm và các bệnh lý nấm, ký sinh trùng, bệnh nhân viêm gan virus mạn tính; HIV, can thiệp giảm hại chất gây nghiện...
Đặc biệt, khoa trực tiếp sàng lọc, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ kết nối và chăm sóc điều trị tại nhà, trường hợp cấp cứu chuyển xuống Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 ở Hoàng Mai (cơ sở 2 bệnh viện). Đây cũng là nơi hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện cả nước.
Theo bác sĩ Đạt, nhóm bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm dễ bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Do đó, bệnh viện nỗ lực mang đến các dịch vụ tốt nhất, toàn diện nhất trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh truyền nhiễm cấp tính và mạn tính, mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau".
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết ngoài nhiệm vụ điều trị truyền nhiễm thông thường, khoa hỗ trợ người bệnh tái hòa nhập cộng đồng, giảm di chứng sau bệnh. "Đây là khác biệt giữa khoa truyền nhiễm bệnh viện với các cơ sở y tế khác, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Hiếu cho hay.
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang bước vào giao mùa thu đông, là thời điểm rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn, virus trong môi trường phát triển mạnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh dễ có diễn tiến nặng, biến chứng nguy hiểm.
Theo thống kê của Bộ Y tế trong nửa đầu năm nay, bệnh viêm màng não, sởi, dại, tay chân miệng... gia tăng mạnh. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc viêm màng não mô cầu tăng 200%, ca mắc tay chân miệng tăng 4,3 lần, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Tính đến tháng 9, Việt Nam ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng cao. Tổng số ca trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 28.694 ca, trong đó gần 11.000 ca cộng đồng.
Thùy An