Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đang phải đối mặt với một viễn cảnh tận thế. Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm nhanh chóng. Toàn cầu đang hết chỗ chứa "vàng đen". Còn Nga và Saudi Arabia khiến dư cung càng trầm trọng.
Cú sốc kép này khiến giá dầu lao dốc tới mức các công ty dầu đá phiến Mỹ không thể có lợi nhuận. Giá dầu thô WTI giao tháng 5 phiên 20/4 xuống dưới 0 USD một thùng - điều chưa từng xảy ra từ khi hợp đồng tương lai dầu bắt đầu giao dịch trên sàn NYMEX năm 1983. Đây là ngày tồi tệ nhất của thị trường dầu mỏ.
Dù giá dầu thô WTI giao tháng 6 vẫn ở mức trên 20 USD một thùng, đó vẫn là thảm hoạ. "30 USD đã là khá tệ rồi. Nhưng khi bạn thấy nó xuống 20 USD hay thậm chí 10 USD, nó hoàn toàn là một cơn ác mộng", Artem Abramov, người đứng đầu mảng nghiên cứu dầu đá phiến tại Rystad Energy nhận định.
Nhiều công ty dầu mỏ đã nợ quá nhiều trước khi đại dịch xảy ra. Một số vì thế sẽ không thể tồn tại qua đợt lao dốc lịch sử này.
Rystad Energy dự báo với mức giá 20 USD một thùng, 533 doanh nghiệp thăm dò và khai thác dầu Mỹ sẽ phải nộp đơn xin phá sản vào cuối năm 2021. Nếu giá xuống 10 USD, số nạn nhân sẽ là hơn 1.100.
"Với mức giá 10 USD, hầu hết công ty thăm dò và khai thác sẽ nộp đơn xin phá sản hoặc cân nhắc các lựa chọn chiến lược khác", Abramov nói.
Trước đó, với sự can thiệp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga và Saudi Arabia đồng ý chấm dứt cuộc chiến giá dầu. OPEC+ thông qua quyết định giảm sản lượng dầu kỷ lục với 9,7 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5 và 6.
Trump cho biết thoả thuận của OPEC+ sẽ bảo vệ vô số việc làm và đem lại sự ổn định cần thiết cho ngành dầu mỏ. "Điều này sẽ cứu hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ. Tôi muốn cảm ơn và chúc mừng Tổng thống Nga Putin cùng Quốc vương King Salman của Saudi Arabia", Tổng thống Mỹ nói.
Dù vậy, giá dầu thô vẫn sụt giảm, một phần vì thỏa thuận đến tháng 5 mới có hiệu lực. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tiếp tục chạm đáy khi máy bay, ôtô và nhà máy không hoạt động vì đại dịch.
"Sẽ có nhiều công ty không thể tồn tại trong đợt suy thoái này. Đây một trong những điều tồi tệ nhất từ trước đến nay", Ryan Fitzmaurice, chiến lược gia năng lượng tại Robobank nhận định.
Dù thị trường chứng khoán đã hồi phục mạnh tháng trước, nhóm cổ phiếu năng lượng trong S&P 500 vẫn giảm hơn 40% từ đầu năm. Noble Energy, Halliburton, Marathon Oil và Occidental mất hơn hai phần ba vốn hoá. Còn ExxonMobil giảm 38%.
Whiting Petroleum trở thành doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào hôm 2/4. Tuy nhiên, đây sẽ không phải cái tên cuối cùng.
Theo kịch bản giá dầu 20 USD của Rystad, hơn 70 tỷ USD nợ của các doanh nghiệp dầu sẽ được tái cơ cấu khi phá sản, sau đó là 177 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, đây chỉ là số nợ của các doanh nghiệp thăm dò và khai thác, chưa tính ngành dịch vụ - cung cấp nhân lực và thiết bị cho các giàn khoan.
Vấn đề mấu chốt là giá dầu sẽ ở mức thấp trong bao lâu. Một sự phục hồi nhanh chóng có thể giúp nhiều công ty tránh phá sản.
Buddy Clark tại hãng luật Haynes & Boone cho biết công ty ông đang cực kỳ bận rộn khi phải làm việc với các doanh nghiệp ngành dầu mỏ có khả năng phá sản. Họ đã phải đưa luật sư từ các mảng khác sang để hỗ trợ mảng dầu mỏ.
"Tôi không cho rằng đã chứng kiến điều gì như thế này trong đời. Đây là điều chưa từng có", Clark nói. Ông đã làm việc trong ngành này gần 40 năm. Dù vậy, Clark cho rằng giá dầu có đi xuống hơn nữa thì cũng chỉ có 100 vụ phá sản trong ngành dầu mỏ năm nay.
Triển vọng u ám trong ngành dầu mỏ sẽ khiến các doanh nghiệp rất khó tái cơ cấu theo luật phá sản để nhận được sự hỗ trợ tài chính cần thiết. Reid Morrison - người đứng đầu mảng năng lượng Mỹ tại PWC cho biết kịch bản ác mộng cũng có thể đem đến cơ hội thâu tóm béo bở cho các tên tuổi lớn trong ngành. Các công ty dầu gặp khó khăn hay xin phá sản sẽ buộc phải bán mình với giá rẻ. Exxon và Chevron – hai đại gia của ngành công nghiệp dầu mỏ có thể thấy hấp dẫn với những vụ mua bán này.
"Những công ty có bảng cân đối vững mạnh sẽ có thể tận dụng tình huống này", Morrison nói. Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh các tên tuổi lớn sẽ thận trọng trong nửa năm tới vì phải bảo vệ hoạt động trả cổ tức của mình trước.
Tú Anh (theo CNN)