Theo bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Triệu chứng chủ yếu là viêm họng và xuất hiện lớp màng giả (giả mạc) màu trắng.
Tùy theo vị trí vi khuẩn tấn công trên cơ thể, giả mạc có thể xuất hiện ở nhiều nơi như amidan, thanh quản, mũi, hầu họng... Giả mạc cũng có ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục.
Do viêm họng có giả mạc, bệnh nhân thường sốt, khàn tiếng, ho. Bệnh nặng có thể xảy ra biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành. Bệnh nhân sẽ bị khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp.
Trường hợp nặng hơn, độc tố bạch hầu ngấm vào máu gây nhiễm độc toàn thân, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác, viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong.
"Bệnh tiến triển nhanh nên cần phát hiện sớm triệu chứng để điều trị kịp thời", bác sĩ Tuấn nói, thêm rằng bệnh nhân nhẹ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng ngoại độc tố bạch hầu. Bệnh nhân có thể được truyền huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Trường hợp nặng, có biến chứng, bác sĩ điều trị bằng phác đồ phù hợp như hỗ trợ hô hấp (đặt nội khí quản, thở máy), hỗ trợ thần kinh và tim (đặt máy tạo nhịp tim).
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, lây dễ dàng qua đường hô hấp và tiếp xúc với dịch từ mũi họng người bệnh. Vi khuẩn có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh từ vài ngày đến vài tuần, ví dụ trong sữa và nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được hai tuần...
Thời gian ủ bệnh 2-5 ngày. Nhóm nguy cơ cao là trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có khả năng miễn dịch thấp. Người đã tiêm phòng bệnh bạch hầu hoặc từng mắc bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm do cơ thể không tạo ra khả năng miễn dịch hoặc khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian.
Do đó bác sĩ Tuấn khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ để đảm bảo miễn dịch.
Mỹ Ý