Chủng virus viêm gan D chỉ có thể nhân lên và lây lan khi có sự hiện diện của virus viêm gan B (HBV). Tình trạng nhiễm cả viêm gan B và D cùng lúc được gọi là đồng nhiễm. Còn người đã bị viêm gan B mạn tính, sau đó mới nhiễm virus viêm gan D, gọi là bội nhiễm. Trong cả hai trường hợp có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.
Triệu chứng
- Mệt mỏi và uể oải.
- Chán ăn.
- Da, lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng.
- Phân và nước tiểu đổi màu.
- Đau ở gan, phần trên của bụng.
Phần lớn người bị viêm gan D mạn tính ít có triệu chứng rõ rệt cho đến khi các biến chứng phát triển, có thể xảy ra vài năm sau lây nhiễm. Các triệu chứng này có thể bao gồm:
- Yếu và mệt mỏi.
- Giảm cân.
- Sưng mắt cá chân và bụng.
- Ngứa da.
- Vàng da.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Đường lây truyền chính của viêm gan D là tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh hoặc các chất dịch cơ thể khác như dùng chung bơm kim tiêm, vật liệu ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm bệnh.
Viêm gan D cũng có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh dù ít gặp.
Chẩn đoán
Nếu nghi ngờ một người nhiễm viêm gan D, bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu bao gồm:
- Elastography còn được gọi là kỹ thuật siêu âm đàn hồi giúp kiểm tra tình trạng xơ hóa gan.
- Sinh thiết gan.
- Xét nghiệm máu để đo nồng độ men gan, nồng độ cao thường chỉ ra tình trạng viêm hoặc tổn thương tế bào gan.
Khả năng phục hồi
Viêm gan D có thể gây nhiễm trùng cấp tính, mạn tính hoặc cả hai. Khả năng hồi phục phụ thuộc vào việc người bệnh bị đồng nhiễm hay bội nhiễm viêm gan D. Tiên lượng những người bị đồng nhiễm có xu hướng tốt hơn.
Viêm gan D cấp tính thường xảy ra trong thời gian ngắn, có khả năng khỏi trong vòng chưa đầy một tháng. Nồng độ men gan thường có thể trở lại bình thường trong vòng 4 tháng. Viêm gan D mạn tính có nguy cơ dẫn đến xơ gan hoặc sẹo gan.
Điều trị
Viêm gan D cấp tính
Thuốc không có hiệu quả đối với viêm gan D cấp tính nhưng trong một số trường hợp tình trạng nhiễm trùng cấp tính có xu hướng tự giảm.
Viêm gan D mạn tính
Phương pháp điều trị viêm gan D mạn tính phù hợp phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến chức năng gan.
- Ghép gan: Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng, có thể cần chỉ định ghép.
- Thuốc.
- Chế độ ăn uống: Người bị viêm gan D được khuyến cáo nên tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, tránh uống rượu và các chất bổ sung có tác động xấu với gan.
Phòng ngừa
Dù không có vaccine phòng ngừa viêm gan D nhưng tiêm vaccine viêm gan B có thể có lợi. Vì viêm gan D không thể tồn tại nếu không có virus viêm gan B. Tuy nhiên, phòng ngừa viêm gan B chỉ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa viêm gan D đồng nhiễm, chứ không phải bội nhiễm.
Tránh dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy, dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh và quan hệ tình dục an toàn cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.
Biến chứng
Các biến chứng tiềm ẩn của nhiễm trùng viêm gan D bao gồm xơ gan, suy gan, ung thư biểu mô tế bào gan...
Bảo Bảo (Theo Everyday Health)