Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Nguyễn Quang Huy – Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, Bệnh viện đại học Y Hà Nội.
Tổng quan
Theo cơ quan y tế Liên Hợp Quốc năm 2022, hơn 250 triệu người mắc bệnh viêm gan B và 50 triệu người mắc viêm gan C. Một nửa gánh nặng nhiễm bệnh là ở nhóm 30–54 tuổi, với 12% trẻ dưới 18 tuổi. Nam giới chiếm 58% trong tất cả các trường hợp.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao trên giới, từ 10 đến 20%. Bệnh có ba đường lây chính là thông qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
Viêm gan B thường không có triệu chứng khiến nhiều người không biết mình mắc bệnh. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan – một trong hai loại ung thư gây tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam.
Triệu chứng
Bệnh viêm gan B thường không có triệu chứng điển hình. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải như mệt mỏi thoáng qua, chán ăn, đau tức vùng bụng dưới sườn bên phải, đi tiểu sẫm màu, vàng da và mắt tăng dần.
Lây nhiễm
Bệnh viêm gan B do virus gây ra và có thể lây qua ba đường, gồm: từ mẹ sang con, đường quan hệ tình dục không an toàn, hoặc lây qua đường máu như dùng chung các vật thể dính máu và dịch thể.
Ở Việt Nam, đa phần bệnh lây qua đường từ mẹ sang con. Nhiều trường hợp người mẹ không biết mình có bệnh, khi sinh con có thể nhiễm ngay từ mẹ gây ra tình trạng viêm gan B mạn.
Hiện chưa có nghiên cứu bệnh lây truyền qua đường ăn uống, tiếp xúc hàng ngày.
Hậu quả
Viêm gan B thời gian đầu (10 – 20 năm đầu tiên) thường chưa có biểu hiện triệu chứng và cũng chưa ảnh hưởng tới gan. Sau đó, bệnh có thể gây tổn thương gan từng đợt, lâu dần gây xơ gan và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Theo thống kê, khoảng 10-20% người Việt mắc viêm gan B được chẩn đoán và chỉ khoảng 30% trong số đó được điều trị. Đây là lý do hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Tại Việt Nam, ung thư gan dẫn đầu về số người tử vong với hơn 23.000 trường hợp mỗi năm, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan).
Điều trị
Hiện tại, đã có các loại thuốc để ức chế virus viêm gan B, nhằm hạn chế biến chứng của bệnh. Ngoài ra, cũng có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả như tiêm vaccine, dự phòng cho phụ nữ mang thai, quan hệ tình dục an toàn, xét nghiệm định kỳ,...
Phụ nữ có thai cần đi khám để phát hiện viêm gan B sớm để được tư vấn những biện pháp dự phòng hiệu quả trong thai kỳ.
Người dân Việt Nam nên khám và sàng lọc viêm gan B thường xuyên. Người chưa mắc viêm gan B nên tầm soát 6 tháng một lần; nhóm người cao tuổi, nguy cơ cao, đã bị xơ gan nên tầm soát ba tháng một lần.
Thùy An