Đúng 6h30 chúng tôi đến nhà thi đấu, hàng trăm bạn nhỏ đã chờ sẵn. Các cháu ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở, ngáp ngắn ngáp dài gặm bánh mỳ hoặc uống sữa. 7h thầy cô mới bắt đầu điểm danh. Điểm danh xong các cháu lại ngồi chờ tiếp. 7h45 đại diện các ban ngành, liên đoàn thể thao, ủy ban nhân dân... mới lục tục đến. 8h, quan khách an tọa, buổi thi lên đai mới khai mạc, sau khi các cháu đã đợi một tiếng rưỡi.
Cách đây mấy tuần, vào khai giảng, nhiều trường cũng yêu cầu học sinh có mặt từ 6h45, ngồi sẵn, 8h buổi lễ mới bắt đầu.
Trẻ con đợi người lớn, người lớn cũng phải đợi người lớn. Ai từng đi họp phụ huynh đều chứng kiến cảnh cô giáo ngồi đợi cha mẹ học sinh. Có những người, họp cả tiếng rồi mới lò dò vào lớp.
Các nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, "tật muộn giờ" của người Việt Nam là do nền sản xuất nông nghiệp hàng nghìn năm tạo ra, khi người ta không cần phải chính xác từng phút như sản xuất công nghiệp. Nhưng "di chứng" này liệu vẫn còn rơi rớt đến tận ngày nay, ở những con người sinh ra và trưởng thành tại thành thị, hầu như không, hoặc rất ít chịu ảnh hưởng bởi văn hóa nông nghiệp?
Tôi cho rằng, ngoài yếu tố mang tính lịch sử, văn hóa này, "bệnh muộn giờ" ngày nay có phần xuất phát từ tâm lý đám đông - mọi người đều thế cả, mình việc gì phải đúng giờ. Ai đến sớm hơn, đợi lâu hơn, chỉ có thiệt. Mặt khác, với tâm lý ngại va chạm, muốn dĩ hòa vi quý, không mấy ai lên tiếng chỉ trích người đến muộn, vì tránh "chuyện bé xé ra to". Nhưng có thật muộn giờ chỉ là "chuyện bé"? Điều này thì những ai từng mất công việc, mất tiền, mất cơ hội, mất quan hệ vì muộn giờ, mới hiểu được.
Một căn nguyên khác của tật muộn giờ là thói ích kỷ, vô kỷ luật và thiếu tự trọng. Muộn giờ chính là chiếm dụng tài nguyên của người khác, bao gồm thời gian, công sức, sự hăng hái và cả những cơ hội.
Thói quen sử dụng "giờ cao su" của người lớn cũng có thể lây lan, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Một đứa trẻ thường xuyên thấy cha mẹ muộn giờ sẽ khó mà rèn được tính kỷ luật. Bạn tôi - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân - đề ra quy định: muộn 5 phút, phạt 200.000 đồng, sung quỹ. Nhưng nhiều bạn trẻ Gen Z đòi "mua buôn" cả tháng với giá "mềm hơn". Anh nói "vừa buồn cười vừa buồn lòng", vì các bạn không coi việc đi làm đúng giờ là chuyện nghiêm túc.
Ở công sở, thói quen dễ dãi này còn thể hiện ở việc chậm deadline (không hoàn thành công việc đúng hạn), chậm phản hồi, chậm đưa ra quyết định, và nghĩ ra đủ loại lý do cho những sự chậm trễ đó. Mà ở Việt Nam, lý do luôn có sẵn: mưa gió, lụt lội, nóng quá, lạnh quá, tắc đường, hỏng xe, đau đầu, đau bụng, thậm chí bị công an giao thông bắt phạt... Nếu là trong công việc, thì sự chậm trễ sẽ đi kèm phản xạ đổ lỗi: đối tác thiếu nhiệt tình, khách hàng quá khó tính, đồng nghiệp không hợp tác... Chỉ có cái lỗi thuộc về bản thân thì ít người thẳng thắn nói ra.
Tôi từng đi nhiều quốc gia mà lịch sử có những nét tương đồng với Việt Nam - nền văn minh nông nghiệp. Nhưng hiện nay văn hóa của họ là đúng giờ từng phút, thậm chí đúng giờ từng giây. Tại Hàn Quốc, nhiều địa điểm công cộng luôn có các nhân viên đến sớm, đứng cạnh cửa giơ đồng hồ lên xem, khi đến giờ, không muộn hơn hay sớm hơn một giây nào, họ bấm nút mở cửa. Một công ty đối tác của Trung Quốc hẹn đến làm việc với doanh nghiệp Việt Nam từ trước đó 6 tháng, đúng ngày đúng giờ họ có mặt trước cửa, trong khi đối tác chủ nhà còn đang tập hợp đại diện các phòng ban...
Hồi tổ chức Thế vận hội 2020, ông Yoshitaka Sakurada - Bộ trưởng An ninh Mạng và đảm trách Olympics Tokyo, vì đi họp muộn ba phút đã bị chỉ trích dữ dội và phải công khai xin lỗi. Nhiều người có thể cảm thấy việc này là rất lạ vì muộn ba phút "thì có vấn đề gì?". Nhưng một báo cáo của Heathrow Express ở Anh năm 2017 cho thấy thói quen đi làm muộn gây thiệt hại 11,7 tỷ USD cho nước này. Ở Mỹ, việc người lao động đi muộn khiến bang New York mất 700 triệu USD mỗi năm, con số này ở bang California là một tỷ USD.
Cách đây nửa thế kỷ, người Nhật phải sáng tạo ra hệ thống JIT (Just In Time), với thông điệp cốt lõi là "Đúng sản phẩm - Đúng số lượng - Đúng địa điểm - Đúng thời điểm", với các mục tiêu "Không chờ đợi - Không tồn kho - Không chi phí phát sinh" để đạt hiệu quả lớn nhất chính là tránh lãng phí. JIT được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng khả năng áp dụng của mỗi nước, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân lại rất khác nhau.
Đúng giờ, là tôn trọng, cũng là tự trọng. Đúng giờ không khiến ta thiệt đi xu nào, nhưng lại có thể mang về vô số "lợi nhuận" trong tương lai. Ngược lại, muộn giờ chính là rước lấy những "khoản lỗ" không thể đo lường được, dù trước mắt ta không coi là to tát.
Trịnh Hằng