Phim Mắt biếc của Victor Vũ là hiện tượng điện ảnh Việt tháng 12 với doanh thu trên 100 tỷ đồng sau chín ngày chiếu. Anh sinh năm 1975, thuộc làn sóng đạo diễn Việt kiều về nước làm phim đầu thế kỷ 21, ghi dấu với các phim Cô dâu đại chiến, Scandal, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
- Khi đọc "Mắt biếc", anh đồng cảm thế nào về hoàn cảnh các nhân vật?
- Tôi có sự liên hệ nhất định với Ngạn do trải nghiệm cá nhân. Thời học cấp ba ở Mỹ, tôi nhút nhát, từng yêu đơn phương mà không dám mở lời. Trong khi đó, nhiều người khác muốn làm quen nhưng tôi luôn giữ khoảng cách, khiến họ tổn thương. Đến năm 21 tuổi, tôi mới có bạn gái đầu tiên.
Ngày đó, tôi không hiểu tại sao mình khép kín như vậy. Sau này, khi nhìn lại, tôi mới nhận ra do quan điểm của mình về tình yêu quá lý tưởng. Khi yêu ai đó, đàn ông có lúc đặt người kia lên vị trí quá cao nên sinh ra thiếu tự tin, nghĩ mình không chạm đến được. Dù có cơ hội bắt đầu một mối quan hệ khác, họ vẫn mắc kẹt trong hình bóng cũ. Tương tự, Ngạn cũng đi tìm thứ quá lý tưởng ở Hà Lan, nghĩ cô ấy là người hoàn hảo dù thật sự không phải vậy. Anh ấy tự xây những rào cản nên không thể tiếp nhận được tình cảm của những người khác.
Tôi cũng từng giống Ngạn ở việc "náu mình" vào nghệ thuật. Anh ấy xem Hà Lan là "nàng thơ", nguồn cảm hứng cho thơ, nhạc. Những bài hát là cách Ngạn giãi bày tình cảm khi không dám nói. Còn tôi từng theo đuổi ngành sân khấu nhiều năm, xem diễn kịch như cách bùng nổ, giải phóng năng lượng, khác hẳn sự khép mình đời thường. Việc đồng cảm nhân vật là điểm tựa để tôi quyết định chọn chuyển thể tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh.
- Anh nghĩ gì với nhận xét quan điểm tình yêu trong phim khó hợp gu khán giả ngày nay?
- Tôi cũng hình dung một số người không thấu hiểu, khó tin tình cảm của Ngạn. Có người sẽ nghĩ anh ấy ngốc nghếch khi không tận hưởng tình cảm của những cô gái đến với mình. Tuy nhiên, tình yêu vốn luôn có gì đó mơ mộng, khó nắm bắt rõ. Tôi tin kiểu tình cảm của Ngạn có ngoài đời thật, dù ít gặp. Đôi khi, con người hành động khó hiểu vì tình yêu. Ngoài ra, tôi cho rằng truyện có chủ đề vượt thời gian về xung đột giàu - nghèo, cái mới - cũ, cám dỗ, sa ngã, khán giả thời nào cũng dễ liên hệ được với bản thân.
- Sau nhiều năm theo đuổi thể loại kịch tính, hài, đây là lần đầu Victor Vũ làm phim về tình yêu thuần khiết. Anh biến chuyển phong cách thế nào?
- Mắt biếc là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp của tôi khi phải bước khỏi "vùng an toàn". Nhìn chung, tôi hạn chế kỹ thuật để hướng đến sự mộc mạc ở phim. Ở mỗi cảnh, tôi thường có rất nhiều "chiêu" để đẩy cảm xúc nhưng lần này không dùng đến. Nhìn lại dự án, tôi nhận thấy việc kể chuyện đơn giản mà tạo được cảm xúc thật ra lại khó hơn dùng kỹ thuật.
Về quay phim, tôi theo đuổi những hình ảnh thực tế nhưng dưới góc nhìn lãng mạn. Tôi tận dụng ánh sáng tự nhiên trong phim, hạn chế dùng nguồn sáng nhân tạo. Do đó, lịch quay khá căng thẳng khi tôi và ê-kíp quay phim phải tính toán nhiều về nguồn sáng, thời điểm ghi hình trong ngày. Có những cảnh chỉ có thể quay vào một giờ nhất định để đảm bảo chất lượng thẩm mỹ.
Công tác dựng phim cũng không đơn giản do tôi và người dựng chưa từng làm tác phẩm nào tương tự. Chúng tôi phải vứt hết những cách tiếp cận cũ, xác định là dựng theo cảm xúc chứ không gò ép theo phương pháp dựng phim dựa trên thời lượng. Một trở ngại về kỹ thuật là khi quá trình dựng kéo dài, nhà làm phim trong vô thức hay có khuynh hướng đẩy nhanh tốc độ phim do đã xem quá nhiều lần. Điều đó có thể vô tình phá đi nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng cần thiết cho Mắt biếc. Do đó, mỗi lần dựng, chúng tôi phải cố đặt mình vào vị thế người lần đầu xem phim.
- Phim "Mắt biếc" có một số thay đổi so với truyện. Anh nói gì?
- Truyện gốc được kể từ điểm nhìn của Ngạn, các nhân vật khác thường chỉ hiện ra qua suy nghĩ của anh. Trên phim ảnh, mỗi nhân vật cần có đời sống riêng nên chúng tôi xây dựng thêm một số tình huống, câu thoại để làm dày hơn. Khi đọc truyện, một số độc giả có thể ghét Hà Lan. Trên phim, nhân vật có thêm một số chi tiết để người xem hiểu rõ hơn hoàn cảnh của cô. Quan điểm của tôi là tác phẩm này không có người xấu và ai cũng có lý do của mình.
Về cấu trúc, tôi đưa đoạn hai nhân vật ở thành phố lên đầu do đây là phần có nhiều xung đột nhất. Trên màn ảnh, quan điểm của một số nhân vật được nêu rõ ràng hơn trong truyện bởi khán giả thường cần câu trả lời cụ thể. Cái kết của phim vẫn giống tiểu thuyết về giá trị cốt lõi nhưng được biến tấu thêm để làm rõ suy nghĩ nhân vật.
- Theo anh, đâu là điểm khó nhất khi chuyển thể "Mắt biếc"?
- Diễn viên là yếu tố quan trọng nhất trong dự án này. Mỗi độc giả đều có hình dung của riêng họ về Ngạn, Hà Lan nên phải chọn rất kỹ người đóng. Với các cổ đông, tôi từng nói nếu không có người phù hợp thì có thể ngưng dự án. Với tôi, tên tuổi diễn viên không quan trọng. Thậm chí những gương mặt mới tốt hơn do khán giả không bị chi phối bởi sự nổi tiếng của họ. Tôi nghĩ mình may mắn khi tìm được những người hợp vai. Trần Nghĩa từng đóng một số phim truyền hình nhưng lối diễn vẫn còn sự mộc mạc. Trúc Anh có độ nhạy cảm nhất định, dễ khóc và thông minh, hiểu cần gì ở các phân đoạn, còn Trần Phong, Khánh Vân có cá tính rất hợp nhân vật.
- "Mắt biếc" là phim đầu tiên Victor Vũ quay sau khi có con. Trải nghiệm làm phim của anh có gì khác trước?
- Trong quá trình quay, Đinh Ngọc Diệp và con cũng chuyển ra ở tại các nơi ghi hình. Đó là những tháng ngày mà tôi thấy tuyệt vời nhất. Trên trường quay, tôi tập trung 100% sức lực. Nhưng khi về nơi ở, tôi bỏ hết những gì trải qua trong ngày, tìm đến không gian riêng của gia đình để lấy lại sức lực, tinh thần. Có người sợ tôi bị ảnh hưởng bởi chuyện gia đình nhưng tôi không nỡ xa con lâu, muốn có điều kiện gần bé nhất có thể. Sau khi có con, tôi cũng có thêm sự mềm mại nhất định và tiếp cận các cảm xúc mới. Về nghề nghiệp, ở một số cảnh tình cảm, tôi có hình dung tốt hơn về cách thể hiện chúng so với trước đây.
Ân Nguyễn