- Vì sao anh trở lại dòng phim tâm lý có yếu tố ly kì sau bảy năm, kể từ Quả tim máu?
- Sau Mắt biếc, tôi thấy hào hứng trở lại với giới showbiz và thế giới tâm linh - đề tài tôi từng khai thác năm 2012 qua Scandal. Với Thiên thần hộ mệnh, tôi chọn góc nhìn thời sự hơn, tập trung vào đời sống giới trẻ và "kuman thong" - một loại búp bê cầu may.
Tôi tìm hiểu về đề tài "kuman thong" khoảng sáu, bảy năm nay. Những năm gần đây, tôi hay làm hậu kỳ phim ở Thái Lan, tiếp xúc với nền văn hóa nước bạn, nghe kể về những câu chuyện tâm linh. Nhân vật chính trong phim là một nữ sinh "nuôi" búp bê với hy vọng trở thành ca sĩ nổi tiếng. Nhưng đó chỉ là câu chuyện làm nền cho thông điệp chính - tham vọng của con người. Tôi nhận ra nhiều người khi vướng vào rắc rối thường tìm đến tâm linh để có câu trả lời. Lâu dần, họ bị cuốn vào và trở thành nô lệ của chính mình.
- "Người bất tử" (2017) - một phim khác về bùa ngải của anh - từng bị chê kết thúc chưa thỏa đáng. Anh rút kinh nghiệm ra sao?
- Với thể loại kinh dị ở Việt Nam, kết phim thường là điều khiến nhiều khán giả băn khoăn về câu chuyện kiểm duyệt. Phim Người bất tử là một bài học lớn khi tôi phải làm lại cái kết theo hướng chưa hợp lý lắm, ngay trước giờ phim ra rạp. Rút kinh nghiệm từ đợt đó, ở các phim sau, tôi thường xây dựng câu chuyện logic hơn, không quá tham tình tiết để tự làm khó mình khi vướng kiểm duyệt. Rất may, Thiên thần hộ mệnh giữ được ý tưởng ban đầu của tôi cùng một cái kết khiến tôi thỏa mãn. Tác phẩm cũng không bị cắt bỏ cảnh nào sau khi Cục Điện ảnh thẩm định.
Tôi nghĩ phim này mang màu sắc tươi mới, câu chuyện bám sát cuộc sống hơn. Nhiều năm lăn lộn trong nghề, tôi nhận ra ngành giải trí đang ngày một trẻ hóa, không ít người đánh đổi bản thân để có được một vị trí trong nghề. Về cách kể chuyện, tôi vẫn cài cắm các "twist" (tình tiết bất ngờ) như phong cách xưa nay của mình. Làm phim, tôi thích cảm giác khán giả bị cuốn theo câu chuyện, rồi ồ lên bất ngờ vì một "twist" và nhận ra mọi thứ đã được sắp đặt từ trước đó.
- Vì sao anh tiếp tục mời Trúc Anh đóng sau Mắt biếc?
- Lần đầu, tôi mời một gương mặt đóng chính hai dự án liên tiếp. Tôi hiểu khả năng diễn xuất của Trúc Anh tới đâu và biết cô ấy còn nhiều tiềm ẩn, chưa khai phá hết. Ở Mắt biếc, cô ấy chỉ cần đóng theo bản năng, người xem cũng có thể hình Trúc Anh là Hà Lan - một nữ sinh với tình yêu đầu đời. Còn trong Thiên thần hộ mệnh, nhân vật Mai Ly là một ca sĩ bị tình nghi dính dáng đến cái chết của một đồng nghiệp, có nhiều cảnh nặng về tâm lý. Tôi đề nghị Trúc Anh bước khỏi vùng an toàn. Cô ấy phải tham gia các buổi workshop để học cách nhập vai, đăng ký các khóa học nhảy, đàn ukulele...
Tôi không đặt tiêu chí diễn viên phải là ngôi sao phòng vé, quan trọng hợp vai hay không. Nhìn lại, các tên tuổi lúc mới đóng phim của tôi đều không thuộc dạng ăn khách, như Nhã Phương (Quả tim máu), Maya (Scandal), dàn diễn viên nhí trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tác phẩm sắp tới cũng vậy. Vì làm phim về người trẻ - những người chập chững bước vào showbiz, tôi muốn chọn những diễn viên chưa xuất hiện nhiều, từ đó gợi tò mò cho khán giả. Chẳng hạn, với Mắt biếc, tôi sẽ không hình dung nổi nếu ai khác đóng Ngạn, Hà Lan ngoài Trần Nghĩa, Trúc Anh. Với tôi, phim hấp dẫn cần có câu chuyện hay, tên tuổi diễn viên chỉ là yếu tổ bổ trợ. Khán giả bây giờ không như xưa. Diễn viên nổi tiếng có thể kéo người xem đến rạp, nhưng giữ chân được họ là chuyện khác.
- Sau thành công của Mắt biếc khi đạt 180 tỷ đồng, anh áp lực ra sao về doanh thu?
- Thật lòng, tôi không bận tâm nhiều về câu chuyện "trăm tỷ" bởi hiểu đó còn là ở thị hiếu. Nếu quá lắng nghe thị hiếu, tôi sẽ từ bỏ sáng tạo của mình, phim thành một nồi lẩu thập cẩm. Xem phim xong, khán giả sẽ nhận ra đây chỉ là những mảnh chắp vá vì không hiểu đạo diễn muốn nói gì.
Tôi đặt niềm tin rất lớn vào khán giả. Nhiều người tiếp cận các tác phẩm của Hollywood, gu thưởng thức đã tăng tiến so với xưa. Xem một phim được đầu tư về chất xám, có thể họ không hiểu nhiều về chuyên môn nhưng họ cảm được thông điệp phim đưa ra. Với các nhà đầu tư, tôi tin họ hiểu vì tôi luôn chọn người cùng chí hướng và hợp tác suốt nhiều năm. Nếu thắng, cả nhà đều vui. Còn thua, chúng tôi ngồi lại và rút kinh nghiệm cho dự án sau. Với tôi, làm phim luôn rủi ro, kể cả Mắt biếc. Điều quan trọng là bạn có dám đánh cược để đem đến một món ăn mới lạ cho khán giả.
- Khi là ông bố hai con, anh thấy phong cách đạo diễn của mình có gì khác?
- Khi tôi thực hiện phim này, vợ tôi - diễn viên Đinh Ngọc Diệp - cũng mang bầu bé thứ hai. Có lẽ vì điều này, tôi đặt để cảm xúc vào phim nhiều hơn. Xem lại một số tác phẩm cũ của mình, tôi thấy phim hơi "lạnh", thiên về lý trí. Sau này, tôi nhận ra, phim hay cần có một câu chuyện cảm xúc, không nên sa đà vào phần kỹ thuật. Tôi cũng đang nung nấu một dự án drama về tâm lý - gia đình từ trải nghiệm làm cha nhiều năm qua.
Mai Nhật