Lê Thần Tông sinh năm 1607, tên húy là Lê Duy Kỳ, là vua thứ 17 của nhà Hậu Lê. Ông là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông, lên ngôi năm 1619, khi mới 16 tuổi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua sống mũi cao, mặt rồng, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi".
Làm vua được 25 năm, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con trai 13 tuổi là Lê Duy Hựu (hiệu là Chân Tông) và trở thành Thái thượng hoàng. Tuy nhiên, ở ngôi chỉ được sáu năm thì Lê Chân Tông ốm, qua đời. Thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua lần thứ hai.
Lên ngôi lần thứ hai được 13 năm thì đến năm 1662, Lê Thần Tông qua đời. Nối ngôi ông lần này là con trai thứ tên Lê Duy Vũ (hiệu là Huyền Tông). Người này ở ngôi được 9 năm thì ốm rồi băng hà ở tuổi 18.
Kế vị là một con trai khác của Thần Tông, tên Lê Duy Hợi (hiệu là Gia Tông) nhưng cũng không qua được bạo bệnh sau bốn năm ngồi trên ngôi báu.
Tiếp đó, con út của Lê Thần Tông là Lê Duy Hợp (hiệu là Hy Tông) nối ngôi. Lê Hy Tông là người con ở ngôi lâu nhất - 30 năm. Đến năm 1705, vua nhường ngôi cho con là Lê Duy Đường (hiệu là Dụ Tông) và lên làm Thái thượng hoàng.
Sử sách ghi lại vua Thần Tông cưới 6 bà vợ, sinh được 10 người con, trong đó có 4 con trai. Như vậy cả 4 con trai của ông đều được làm vua.
Câu 4: Vua nào trong sử Việt lấy vợ gốc Pháp, sinh được 4 người con khi bị lưu đày ở châu Phi?