Triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) có 3 vua chống Pháp, sau đó bị lưu đày ngoại quốc, là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân.
Vua Duy Tân, tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh năm 1900, là con út của vua Thành Thái với bà Tài nhân Nguyễn Thị Định. Năm 7 tuổi, ông được đưa lên làm vua sau khi vua Thành Thái buộc phải thoái vị.
Vì tỏ rõ ý chí chống Pháp, thậm chí cùng tổ chức Việt Nam Quang phục hội lên kế hoạch khởi nghĩa lật đổ chính quyền bảo hộ (nhưng bị bại lộ), vua Duy Tân phải đi lưu đày vào năm 1916. Ông cùng vua cha Thành Thái bị đày sang đảo Réunion ở châu Phi. Những người được phép đi theo vua Duy Tân trong chuyến lưu đày là hoàng mẫu Nguyễn Thị Định, hoàng phi Mai Thị Vàng và em ruột Mệ Cưởi.
Do không hợp khí hậu trên đảo nên hoàng phi Mai Thị Vàng bị sẩy thai và sau đó không sinh con được nữa. Vua Duy Tân khuyên bà trở về quê hương để giữ gìn sinh thể. Năm 1921, bà Mai Thị Vàng về Việt Nam, sống một mình đến cuối đời.
Sáu năm sau, vua Duy Tân cưới thiếu nữ Fernande Antier, con gái một gia đình gốc Pháp và sinh được hoàng nữ là Rita Suzy Georges Vĩnh San và ba hoàng tử là Guy Georges Vĩnh San, Yves Claude Vĩnh San và Joseph Roger Vĩnh San.
Dương Tâm (tổng hợp)