Sau 18 năm tận hiến với văn chương, Vi Thùy Linh tuyên bố ngừng xuất bản sách, tạm gác các chương trình trình diễn trong ba năm. Như bao người phụ nữ khác, chị sẽ thực hiện thiên chức làm mẹ trong những năm tới. Trước khi tạm gác sự nghiệp, Vi Thùy Linh cho ra mắt tập tùy bút và đêm trình diễn Hộ chiếu tâm hồn. Chương trình diễn ra vào 20h ngày 6/3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội. Chị chia sẻ với VnExpress về đêm diễn.
- Đêm trình diễn tối nay của chị sẽ được tổ chức theo hình thức sân khấu nào?
- Tôi muốn khôi phục văn học salon ở Hà Nội. Chương trình tới tôi không nhấn mạnh sự hoành tráng hay những chiêu trò. Tôi muốn mang tới sự ấm cúng và cảm động, với những điều khán giả chưa bao giờ được chứng kiến.
Văn học salon là một xu hướng phát triển mạnh ở Paris, trong các quán café, các thư viện. Ở đó không có khoảng cách, nhà văn và độc giả sẽ rất gần nhau, có thể nghe được hơi thở của nhau, nghe được chuyển động ngữ điệu và độ thật rất cao.
- Chị từng bán xe, trở thành nghệ sĩ "vô sản" để làm các chương trình trước đây. Điều gì khiến chị vẫn tiếp tục đầu tư làm chương trình trình diễn?
- Tôi là người cực đoan, có nhóm máu A, cùng với khí chất vùng Trùng Khánh, Cao Bằng của cha - nơi có nhiều anh hùng thượng võ. Tôi cũng ảnh hưởng từ mẹ là người Hải Phòng - một vùng đất dữ dội. Tôi luôn đặt ra những yêu cầu cao cho mình. Muốn làm được thì phải vượt qua chính mình. Vì thế làm gì tôi cũng làm rất kỹ và tập trung. Tôi đã và sẽ làm những đêm diễn để những ai không có mặt, hoặc không nhanh tay để có vé thì người đó sẽ tiếc.
- Làm thế nào chị trả được cát-xê cho nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia chương trình?
- Tôi đã lao động để có một vị trí nghề, mà khi mời các nghệ sĩ họ đều vui vẻ, hào hứng. Các nghệ sĩ là nhà tài trợ lớn nhất của tôi. Nếu họ lấy đúng giá đẳng cấp của họ thì chẳng bao giờ tôi dám làm cả. Tại sao họ nhận lời với tôi mà không bàn đến tiền? Đó là bởi sự lao động, uy tín của tôi. Cho nên tôi không thể tự hạ giá chính mình. Điều quan trọng nhất để một nhà văn sống được là không để hạ giá chính mình. Sách có thể hạ giá cho độc giả, chứ mình thì không.
- Các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ xuất hiện trong chương trình với tư cách diễn viên?
- Họ không phải là diễn viên, mà sẽ là nhân vật của tôi. Họ sẽ là sứ giả của những phát ngôn của tôi, sứ giả của những tình yêu mà tôi trao gửi. Chúng tôi sẽ cộng hưởng và dâng hiến.
- Vậy cụ thể, họ sẽ hóa thân như thế nào trong chương trình này?
- Tôi rất hãnh diễn vì đã mời được các nghệ sĩ tham dự. NSND Hoàng Dũng sẽ hóa thân thành Thạch Lam - nhà văn mà tôi yêu thích. NSƯT Thu Hà sẽ là một nàng tiên mùa xuân, bởi đối với tôi chị là một giai nhân lâu năm. Hơn 20 năm trước, chị là người đẹp, giờ đây chị vẫn là người đẹp.
NSND Thúy Hường thể hiện một tác phẩm của tôi, viết về làng Phù Lưu, chợ Giầu, Bắc Ninh - một ngôi làng có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Chị không hát quan họ, mà thể hiện giọng đọc của mình trên sân khấu.
Nữ nghệ sĩ Vành Khuyên sẽ hát opera tiếng Pháp, bên cạnh đó, những tác phẩm nổi tiếng nhạc sĩ Nguyễn Thu Đông chọn lựa sẽ được thể hiện bằng dàn nhạc công tài năng.
Tôi cũng mời Lê Thiện Tùng, từng thủ vai Vũ Trọng Phụng trong phim Trò đời, thể hiện tác phẩm ca ngợi màu xanh thiên nhiên. Tiếp nữa diễn viên trẻ Nguyễn Thùy Linh, cô ấy xuất hiện ở tiết mục cuối cùng, và phải làm một cuộc vật lộn khó hàng đầu trong chương trình, đó là thể hiện một tác phẩm giàu chất triết lý - Những tấm gương - Lời.
Chương trình tôi tổ chức lần này là một cuộc âu yếm của Vi Thùy Linh với khán giả, bởi chỉ có 240 ghế gần nhau, sẽ cảm nhận được hơi ấm, chân tình. Và Vi Thùy Linh cũng là tác giả chiều độc giả.
- Còn chị, chị sẽ xuất hiện với vai trò gì trong chương trình?
- Tôi sẽ ít xuất hiện. Chỉ “ló mặt” ở lời chào mở đầu, và trình diễn tác phẩm Gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng. Còn lại, tôi muốn được hưởng thụ những tài năng sân khấu. Tôi sẽ ngồi dưới để lắng nghe khán giả. Tôi cũng mệt vì lo nhiều việc, nên sức khỏe không cho phép xuất hiện nhiều. Hơn nữa phải biết người biết ta, tôi đâu phải là một nghệ sĩ sân khấu, tôi là một tác giả thì đâu cần phải diễn nhiều.
- Vậy còn không khí gần gũi độc giả mà tiêu chí của một chương trình văn học salon đặt ra thì sao?
- Tôi sẽ ở lại để ký tới 12h đêm, những khán giả có câu hỏi hay và khó sẽ có quà của tác giả. Các nghệ sĩ rất bận nhưng sẽ nán lại để chiều lòng công chúng, họ sẽ chụp ảnh, ký tặng, trò chuyện, giao lưu. Đây là cơ hội để người diễn và công chúng gần gũi, quây quần.
Tôi làm đêm diễn để được gặp và gần độc giả. Tôi muốn đo đếm nhiệt lượng của khán giả. Tôi muốn âu yếm những gương mặt đến với tôi. Tôi không thích những tình yêu câm nén. Tôi làm đêm diễn để đo khán giả, độ nóng của người hâm mộ.
- Chị tuyên bố sau đêm diễn này sẽ tạm ngừng không làm chương trình trong ba năm. Vì sao lại có sự gián đoạn đó?
- Tôi đã sống với bố mẹ quá lâu so với nề nếp Á Đông. Sau khi lấy chồng, hai tháng đã trôi qua, tôi chưa nấu một bữa cơm nào, chưa đối diện trực tiếp với chợ búa hàng ngày.
Sau khi cưới tôi chưa có tuần trăng mật, không có đêm tân hôn, vì bận lao ngay vào dự án này. Nồi cơm điện mới tinh vẫn nằm nguyên trong hộp chưa được sử dụng. Tôi đã dâng hiến với văn chương 18 năm chẵn rồi. Khi làm văn chương tôi chỉ làm với tư cách một nghệ sĩ. Nhưng sau đêm diễn này, tôi phải buộc mình làm một phụ nữ, trong đó có việc sinh nở. Tôi dừng lại để sinh con. Tôi cũng nói luôn là sau đây tôi tạm thời không xuất bản thơ nữa.
Cảm hứng của tôi bây giờ là văn xuôi. Sau cuốn Hộ chiếu tâm hồn, tôi viết truyện ngắn và chân dung những người nổi tiếng, trong đó có cả chân dung những người đã chết, tôi dựng chân dung họ thông qua việc đọc họ, xem phim, tư liệu về họ. Tôi không muốn là nhạc sĩ của một bài, nhà văn của một tiểu thuyết để tự ăn mòn vào xương tủy mình.
Nhưng Vi Thùy Linh sẽ mãi mãi dành cho độc giả những đêm diễn ngoạn mục, những đêm diễn sang trọng. Để có được những đêm diễn như vậy, Vi Thùy Linh phải đánh đổi bằng những giá rất đắt, giá của nếp nhăn, của tóc bạc… Tôi hứa không để mất phong độ.
Hiền Đỗ thực hiện