Là hiện tượng văn học ngay từ khi xuất hiện tập thơ đầu Khát (1999), đến nay, Vi Thùy Linh cho ra mắt nhiều tập thơ: Linh (2000), Đồng tử (2005), ViLi in love (2008), Phim đôi - Tình tự chậm (2010), ViLi in Paris (2012). Sau hơn 10 năm lao động cật lực trên cánh đồng thơ, tới 12/2012, Vi Thùy Linh cho phát hành tập văn xuôi đầu tiên ViLi tùy bút. Tác giả ra mắt tập tùy bút thứ hai - Hộ chiếu tâm hồn - ngày 28/2.
Hộ chiếu tâm hồn gồm 34 bài tùy bút được Vi Thùy Linh viết từ năm 2012 tới nay, chia làm 3 phần rõ rệt: Liên xuân, Link và Visa của ViLi.
Trong phần Liên xuân, nữ tác giả thể hiện những cảm xúc về mùa xuân - mùa của tin yêu, mùa của ánh sáng và hy vọng qua 10 tác phẩm ngôn từ. Dường như Vi Thùy Linh được ban cho mọi giác quan thức nhạy để đón nhận những tinh túy của thiên nhiên, cuộc đời, và giữ lại bằng những con chữ đầy yêu thương. Nữ tác giả viết về mùa xuân: "Phổ quang diệp lục giai âm đắm đuối. Lá hẹn búp, bông gọi nụ mùa, sông mong sóng dịu, bãi trổ cây vươn đường kết đèn hoa. Xuân chuyển mình theo những múi giờ kết nối" (Gương của thời gian).
Link là một sự chơi chữ, ý chỉ tên tác giả, vừa có nghĩa kết nối. 11 bài tạp bút trong phần này được kết nối qua cảm thức của ViLi về các vùng đất chị gắn bó. Đó là Hà Nội nơi sinh thành, là nơi từng đến 33 lần như Sài Gòn, là nhiều lần đến không đếm xuể như quê mẹ Hải Phòng, quê cha Trùng Khánh (Cao Bằng), phải lòng Đà Nẵng, mê say Paris, hay về quần đảo thiêng Trường Sa của Tổ quốc.
Phần trọng tâm của cuốn sách đặt ở Visa của ViLi. 13 bài viết là những trăn trở của Linh về địa đầu tổ quốc, về những người thầy, những chuyến đi cuộc đời, kỷ niệm ấu thơ và về tương lai nhân loại... Chị hướng người đọc tới một cuộc sống nhân ái, chân thành, biết gìn giữ thời gian để sống tận lực, xây đắp và nâng niu những kỷ niệm...
Trong Hộ chiếu tâm hồn, ViLi có hai tùy bút giả tưởng: chị gặp hai nhà văn đã mất Nguyên Hồng và Thạch Lam qua hai tác phẩm Gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng và Nguyên Hồng - trên chuyến tàu đời. Thu 2013, ViLi tìm về Trại Cẩm Giàng, khu vườn để hoang ấy đã hiện lên một không gian lộng lẫy, ánh sáng diệp lục trong khiết như lúc Tự lực Văn đoàn đương thời. Ở đấy, Thạch Lam tuổi 32 đã ôm ViLi, dẫn chị đi trong khu vườn xanh. Còn với Nguyên Hồng, ViLi lại gặp ông ở một nơi đặc biệt: tại Pháp, trong tàu điện ngầm ở kinh đô ánh sáng.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói trong phần Lời tựa của Hộ chiếu tâm hồn: "Xuyên suốt những tác phẩm trong tập tùy bút thứ hai này là hương vị và hình ảnh của những vẻ đẹp đời sống của xứ sở chúng ta". Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Linh rất ý thức trong việc sáng tạo trong các bài viết, cách dùng từ. Dù là tập văn xuôi nhưng cũng là văn xuôi của một nhà thơ, câu chữ luôn có sự đắm đuối, nhịp vần".
Bên cạnh các bài tạp bút, Hộ chiếu tâm hồn còn có 20 tranh của 7 họa sĩ nổi tiếng: Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Thị Hiền, Vi Kiến Thành, Đào Hải Phong, Phạm Hà Hải, Phạm An Hải, Bùi Mai Hiên. Sự xuất hiện của các bức tranh trong cuốn sách không chỉ minh họa mà là sự kết hợp của ngôn ngữ và đường nét, màu sắc.
Nhân dịp ra mắt tập sách, Vi Thùy Linh sẽ tổ chức một đêm biểu diễn mang tên Hộ chiếu tâm hồn. Chương trình sẽ diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp lúc 20h ngày 6/3. Nhiều nghệ sĩ như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Thu Hà sẽ tham gia trình diễn trong đêm nghệ thuật này.
Nhà phê bình Ngô Thảo đánh giá cao các đêm trình diễn của Vi Thùy Linh. Ông nói: "Thế hệ chúng tôi già nua tuổi tác, cứ nghĩ làm ra tác phẩm là xong nhiệm vụ. Vì thế nên nhiều tác phẩm bị rơi vào quên lãng. Suy nghĩ 'tác phẩm của mình là hương là hoa thì người ta sẽ tự biết đến' đã lạc hậu. Vì thế tôi cảm phục Vi Thùy Linh. Bên Linh luôn có nhiều nghệ sĩ cùng với Linh làm sang cho văn học".
Hiền Đỗ