Nhóm ly khai ở Nagorno-Karabakh ngày 20/9 ký thỏa thuận đầu hàng và giải giáp lực lượng chỉ một ngày sau khi quân đội Azerbaijan bất ngờ phát động chiến dịch "chống khủng bố" tại khu vực vốn được đảm bảo an ninh bởi hàng nghìn binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga.
Chiến dịch quân sự này đã giải quyết một trong những điểm nóng nhất ở khu vực Trung Á, có thể đưa vùng Nagorno-Karabakh trở về dưới kiểm soát của Azerbaijan sau gần ba thập kỷ lực lượng ly khai được Armenia hỗ trợ biến vùng đất này thành khu tự trị đặt tên là Cộng hòa Artsakh.
Cách chính phủ Azerbaijan dùng sức mạnh quân sự để tự mình giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh được giới phân tích nhận định là dấu hiệu cho thấy vị thế và ảnh hưởng của Moskva ở khu vực đã suy giảm rõ rệt sau gần hai năm dồn nguồn lực cho chiến sự tại Ukraine.
Nga trong nhiều năm qua giữ vai trò nước đảm bảo an ninh ở vùng Kavkaz, nơi từng được coi là "sân sau" của Moskva, trong đó có Azerbaijan và Armenia. Trong hàng chục năm tranh chấp, xung đột giữa Baku và Yerevan, Moskva luôn là bên đứng ra "phân xử" bất đồng, với vai trò trung gian đàm phán thỏa thuận hòa bình vào thập niên 1990, tạo cơ sở cho phe ly khai thân Armenia nắm quyền tại Nagorno-Karabakh.
Lính gìn giữ hòa bình Nga được triển khai đến Nagorno-Karabakh trước cả khi Armenia và Azerbaijan ký thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng hồi cuối năm 2020.
Song gần 2.000 quân nhân Nga đồn trú tại đây cuối cùng vẫn không thể trở thành thế lực răn đe đủ nặng ký để ngăn xung đột tái bùng phát vào tuần này.
"Vị thế của Nga ở vùng Kavkaz đã suy giảm đáng kể vì những diễn biến tại Ukraine. Giới lãnh đạo Armenia đang dần rời xa ảnh hưởng của Nga, trong khi Azerbaijan xoay chuyển quan hệ với Nga theo hướng họ có quyền tự quyết nhiều vấn đề hơn", Thomas de Waal, chuyên gia về khu vực Nagorno-Karabakh, nhà nghiên cứu cấp cao cho tổ chức tư vấn chính sách Quỹ Carnegie ở châu Âu, nhận định.
Theo thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 do Nga làm trung gian đàm phán, phe ly khai thân Armenia được quyền kiểm soát Stepanakert, thành phố quan trọng nhất của vùng Nagorno-Karabakh. Hành lang Lachin, tuyến đường tiếp vận từ Armenia đến Stepanakert, được đảm bảo an ninh bởi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Tuy nhiên, bất chấp đảm bảo an ninh từ Nga ba năm trước, Stepanakert trở thành mục tiêu tập kích sau khi Azerbaijan phát động chiến dịch chống khủng bố. Trong khi Baku khẳng định họ chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự của Armenia, nhân chứng ở Stepanakert trả lời truyền thông rằng khu vực trúng tập kích là nơi dân thường sinh sống.
Chiến dịch này được coi là "giọt nước tràn ly" sau nhiều căng thẳng giữa hai bên gần một năm qua. Trong thời gian đó, Armenia nhiều lần cáo buộc Azerbaijan tìm cách cô lập Nagorno-Karabakh, chặn vận chuyển nhiên liệu, lương thực và thuốc men từ Armenia vào khu vực qua hành lang Lachin.
Yerevan chỉ trích Moskva làm ngơ trước những hành động gây sức ép thời gian qua của Baku đối với thỏa thuận ngừng bắn năm 2020. Cảm thấy bất an với vai trò đảm bảo an ninh của Nga, Armenia đã tăng cường tiếp xúc với Mỹ và đồng minh châu Âu.
Quốc hội Armenia còn cân nhắc tham gia Quy chế Rome để trở thành thành viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), cơ quan liên chính phủ đã phát lệnh truy nã Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù Nga có căn cứ quân sự tại Armenia và hai nước cùng là thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Armenia vào tháng này vẫn tổ chức tập trận chung với với quân nhân Mỹ ngay tại thủ đô Yerevan.
Những diễn biến vừa qua khiến quan hệ Nga - Armenia ngày càng xấu đi, trong đó đáng chú ý là cảnh báo từ Bộ Ngoại giao Nga hồi đầu tháng 9 rằng giới lãnh đạo ở Yerevan đang có lập trường thiếu thân thiện. Vài tuần sau tuyên bố này, Azerbaijan phát động chiến dịch tại Nagorno-Karabakh.
"Sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, Nga không còn đủ khả năng thực thi những cam kết của họ ở Kavkaz và hiện thậm chí còn ủng hộ một số lập trường của Azerbaijan trong cuộc xung đột. Moskva giờ đây có quan hệ thân thiết với Baku hơn Yerevan", Tigran Grigoryan, chuyên gia chính trị tại Armenia, nhận định.
Chính phủ Azerbaijan cho biết họ đã báo trước cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước giám sát thỏa thuận hòa bình ở Nagorno-Karabakh, về chiến dịch quân sự. Moskva khẳng định chỉ nhận được tin báo "vài phút" trước khi giao tranh nổ ra. Bộ Ngoại giao Nga ngày 19/9 kêu gọi Armenia cùng Azerbaijan trở lại bàn đàm phán và giải quyết dứt điểm xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Một ngày sau, lãnh đạo chính quyền ly khai tại Stepanakert tuyên bố mọi nỗ lực can thiệp quốc tế nhằm giữ nguyên trạng Nagorno-Karabakh đã thất bại. Họ không còn cách nào khác ngoài chấp nhận đầu hàng, ký vào thỏa thuận ngừng bắn để bảo vệ tính mạng dân thường.
Các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn cũng do lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đặt ra. Lực lượng ly khai sẽ chấm dứt mọi hoạt động thù địch, giải trừ vũ khí, quân nhân Armenia rút khỏi khu vực và Stepanakert sẽ khởi động đối thoại tái sáp nhập vào Azerbaijan từ ngày 21/9.
Chính phủ Armenia phủ nhận họ có lực lượng quân đội chính quy đồn trú ở Nagorno-Karabakh. Thủ tướng Nikol Pashinyan ủng hộ phe ly khai tại Stepanakert tự quyết định tương lai, song vẫn bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận ngừng bắn không đồng nghĩa với tái lập hòa bình tại khu vực.
Một quan chức quân đội Azerbaijan tuyên bố nước này dám đưa quân vào Nagorno-Karabakh là do Nga đang dồn mọi nguồn lực cho chiến sự Ukraine. Hơn 2.000 lính gìn giữ hòa bình của Nga trong hơn một ngày qua chủ yếu hỗ trợ sơ tán người dân địa phương khỏi những khu vực giao tranh mà không can thiệp vào chiến sự.
"Nga và lực lượng gìn giữ hòa bình của họ chỉ giữ vai trò trung lập trong sự kiện lần này. Moskva không muốn xung đột với Baku", Emil Mustafayev, chuyên gia nghiên cứu chính trị tại thủ đô Azerbaijan, nhận định.
Dù vậy, quân đội Nga vẫn hứng chịu tổn thất, khi một ôtô chở lính gìn giữ hòa bình trúng đạn khiến nhiều người thiệt mạng.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã điện đàm, xin lỗi người đồng cấp Nga Vladimir Putin và chia buồn về cái chết của nhóm lính gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh. Đáp lại, ông Putin "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh và quyền của người Armenia thiểu số ở vùng ly khai", theo phát ngôn viên Điện Kremlin.
Mustafayev cho rằng chiến sự nổ ra do Armenia từ chối rút lực lượng hỗ trợ phe ly khai và không chấm dứt các hành động mà Azerbaijan cho là mang tính khiêu khích. Ông nói Baku đã nhiều lần cảnh báo Yerevan, nhưng mọi lời kêu gọi đều không được đáp ứng.
"Baku đã cạn kiệt lòng kiên nhẫn khi những phần tử phá hoại người Armenia cài mìn trong một đường hầm và gây ra thương vong", Mustafayev nói, đề cập cáo buộc của chính phủ Azerbaijan rằng phe ly khai gài mìn khiến cảnh sát nước này thiệt mạng.
Ali Karimli, lãnh đạo đảng đối lập Mặt trận Đại chúng của Azerbaijan, cho rằng Baku không nên dừng lại với yêu cầu mọi lực lượng vũ trang ly khai thân Armenia rút khỏi Nagorno-Karabakh, mà "toàn bộ lực lượng gìn giữ hòa bình Nga cũng nên rời đi".
Mục tiêu tối thượng của Baku là thu hồi lãnh thổ và không loại trừ khả năng kéo dài xung đột nếu đàm phán sáp nhập lãnh thổ đổ vỡ. Arman Abovyan, cựu nghị sĩ Armenia, lo ngại Nga dù nỗ lực làm trung gian đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng cũng không đủ khả năng thuyết phục Azerbaijan, do vị thế các bên giờ đây đã khác.
"Không có gì đảm bảo họ sẽ lắng nghe Moskva. Chính quyền tại Baku có thể sẽ ký kết thỏa thuận, nhưng rồi lại xé bỏ chính những thỏa thuận ấy", Abovyan cảnh báo.
Thanh Danh (Theo Moscow Times, WSJ, Al Jazeera)