|
|

Vị thế FDI tại Việt Nam

sau 35 năm mở cửa

Hàng trăm tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài trở thành động lực tăng trưởng của Việt Nam nhiều năm qua, nhưng cũng khiến kinh tế trong nước ngày càng phụ thuộc vào ngoại lực.

Từ con số 2 triệu USD, Việt Nam đã thu hút 524 tỷ USD vốn đăng ký FDI sau 35 năm. Đến hết năm 2022, hơn 36.000 dự án đang hoạt động với tổng vốn 441 tỷ USD, đã giải ngân 57%.

Ba làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sau 35 năm

Năm 1988, kinh tế Việt Nam mở ra chương mới với việc cấp giấy phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Những năm đầu, nhà đầu tư nước ngoài còn dè dặt, số dự án lẫn vốn đầu tư chỉ tăng nhỏ giọt.

Từ năm 1991, vốn FDI bắt đầu tăng nhanh, đánh dấu làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên. Số dự án và vốn đăng ký liên tục lập kỷ lục mới. Nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp tìm đến đầu tư như PouChen và Feng Tay (Đài Loan) gia công giày dép, Honda (Nhật Bản) sản xuất xe máy…

Sức nóng của đầu tư nước ngoài hạ nhiệt từ năm 1998 cùng với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, và chỉ phục hồi mạnh trở lại từ 2002.

Năm 2006, Việt Nam có những dự án tỷ USD đầu tiên từ nhà sản xuất chip Intel (Mỹ) và tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc). Thu hút FDI lần đầu vượt 10 tỷ USD, đánh dấu sự bùng nổ của làn sóng thứ hai. Lượng vốn đăng ký tiếp tục tăng, lập kỷ lục gần 72 tỷ USD vào năm 2008. Đây cũng là năm Samsung - nhà đầu tư FDI lớn nhất hiện nay, bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến FDI một lần nữa đi xuống. Vốn giải ngân thực tế sau năm 2008 chỉ dao động trong khoảng 10-11 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số các doanh nghiệp ngoại đã cam kết đầu tư.

Giai đoạn 2015-2019, dòng vốn FDI tăng trưởng trở lại, kể cả vốn đăng ký lẫn giải ngân trên thực tế. Trong làn sóng thứ ba này, vốn FDI không có bước nhảy vọt như những năm 2005-2008 mà tăng ổn định. Đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 khiến các hoạt động đầu tư xuyên biên giới gián đoạn, dòng vốn từ đó cũng trồi sụt.

Sau 35 năm, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản là ba nước đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Mỹ nằm ngoài top 10. Sau sự kiện Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao thành đối tác chiến lược toàn diện đầu tháng 9, truyền thông quốc tế kỳ vọng Việt Nam có thể đón làn sóng FDI thứ 4 với dòng vốn chủ đạo từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Top 10 nền kinh tế đầu tư lớn nhất vào Việt Nam

Từ đầu thập niên 2000, doanh nghiệp FDI dần trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế. Hiện, khối FDI tạo ra 19% GDP, cung cấp 35% việc làm cho người lao động trong khu vực chính thức, dù chỉ chiếm 3% số lượng doanh nghiệp.

Mức độ đóng góp cho nền kinh tế của khu vực FDI so với kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước

Trong ba động lực của tăng trưởng kinh tế gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, FDI đang dẫn dắt hoàn toàn yếu tố cuối cùng. Vào năm 1995, thị phần đóng góp cho xuất khẩu Việt Nam của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lần lượt là 73% và 27%. Gần 30 năm sau, tỷ lệ này đảo ngược.

Trong 8 mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất đạt doanh số trên 10 tỷ USD vào năm ngoái, khu vực FDI chiếm vị thế chi phối trên 50% thị phần với 6 nhóm sản phẩm (trừ đồ gỗ và thuỷ sản). Đặc biệt, doanh nghiệp FDI nắm 98-99% giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện.

Tỷ trọng trong thị phần xuất khẩu của FDI với 8 nhóm hàng chủ lực

Khu vực FDI cũng chứng tỏ hiệu quả vượt doanh nghiệp nội trên nhiều khía cạnh.

Giai đoạn 2005-2021, FDI có 12/17 năm đứng đầu về tốc độ tăng trưởng so với doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. Song song đó, dù hiện tượng chuyển giá, báo lỗ của nhiều ông lớn FDI được đề cập thường xuyên, thực tế khu vực này vẫn có khả năng sinh lời tốt hơn. Từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp FDI thường đạt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu nhỉnh hơn doanh nghiệp Nhà nước và cao gấp 2-3 lần khu vực tư nhân.

Tính theo quy mô lao động, 56% công ty có nhân sự trên 1.000 người đều thuộc khối FDI. Nghĩa là, hơn một nửa doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đều có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tỷ suất sinh lời của 3 khu vực doanh nghiệp

Nhưng thành công của thu hút FDI không chỉ nằm ở đóng góp vào GDP ngày càng tăng, giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế, theo đánh giá của TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ông cho rằng hoạt động của khối FDI đã gián tiếp đưa đến nhiều bài học về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, giúp doanh nghiệp Việt lớn mạnh nhanh hơn. Nhiều công ty đã tự phát triển các dự án lớn phục vụ tiêu dùng trong nước từ bất động sản, dầu khí đến ôtô, công nghệ thông tin và còn vươn ra nước ngoài.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất là sự thiếu liên kết giữa khối FDI với doanh nghiệp trong nước, và chuyển giao công nghệ chưa hiệu quả.

Trong các dự án FDI, hình thức nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 13%, còn lại đều là 100% vốn ngoại. Một số liệu khác là trong gần 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI 5 năm gần nhất, không có sự tham gia của công ty trong nước. Hệ quả là các công ty nội chưa thể theo dấu “đại bàng" để cất cánh.

Theo TS Thắng, nguyên nhân là công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển đủ nhanh, việc đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cao và đưa các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hợp tác với FDI chưa được quan tâm đúng mức. “Nếu nhà đầu tư nước ngoài có thiện chí chuyển giao công nghệ, họ sẽ chuyển giao cho ai?”, ông nói.

Nguyên cục trưởng dẫn chứng câu chuyện khi Honda mở nhà máy sản xuất xe gắn máy tại Việt Nam vào những năm 90, tập đoàn Nhật Bản khảo sát hàng chục công ty cơ khí nội địa, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, họ không tìm được đối tác để hợp tác sản xuất phụ tùng, linh kiện. Nhà máy không thể nội địa hóa ngay từ đầu, chỉ tăng dần tỷ lệ theo thời gian.

Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu công nghiệp Nguyễn Thị Xuân Thuý cho rằng Việt Nam đã làm tốt việc thu hút số lượng dự án, nhưng chưa chủ động tận dụng hết cơ hội để học hỏi từ nhà đầu tư nước ngoài. Liên kết giữa FDI với doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo. Số doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế.

Ngoài ra, bà cho rằng quá trình quản lý FDI cũng để lại những “bài học đau thương” như: vụ xả thải ở Đồng Nai năm 2010, sự cố môi trường biển miền Trung năm 2016; hay nhiều chủ nhà máy FDI phá sản rời Việt Nam, bỏ lại công nhân với các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội…

Dù có những hạn chế, TS Phan Hữu Thắng cho rằng nên đánh giá quá trình thu hút, quản lý FDI 35 năm qua trong bối cảnh đất nước gần như phải bắt đầu từ con số 0 sau thời gian dài chiến tranh. Khi mở cửa, Việt Nam thiếu cả hạ tầng cứng lẫn kiến trúc thượng tầng quản lý kinh tế thị trường, công nghệ, tài chính.

“Thành công là chủ yếu, tồn tại là thứ yếu trong một quá trình phát triển nhanh”, TS Phan Hữu Thắng kết luận.

Để tránh lặp lại những hạn chế cố hữu, TS Thắng cho rằng các cơ quan chức năng cần hiện thực hóa đúng với định hướng trong nghị quyết của Bộ Chính trị năm 2019 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Ông nhấn mạnh chủ trương này đã nêu rõ tinh thần “hợp tác" với FDI thay vì “thu hút" đơn thuần.

“Có cơ hội từ dòng vốn trên toàn cầu đang dịch chuyển, nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm nếu thật sự muốn có một làn sóng đầu tư mới”, chuyên gia nói.

Về dữ liệu:

- Dữ liệu về đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tại thời điểm kết thúc năm 2022 theo Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan

- Thông tin về ba làn sóng FDI được trích dẫn từ nghiên cứu “Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài thứ ba” của GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Nội dung và Dữ liệu: Việt Đức - Lê Tuyết

Đồ họa: Hoàng Khánh - Thanh Hạ

Bài 2: Thế hệ công nhân dở dang