Thực tế là Red Hat vẫn sẽ giữ vị trí đầu bảng trong phân phối Linux thời gian tới. Dù nhiều công ty tham gia bán Linux (vì đây là sản phẩm nguồn mở) nhưng Red Hat luôn chiếm trên 50% thị phần ở Bắc Mỹ. Theo Al Gillen, Giám đốc nghiên cứu phần mềm hệ thống của Công ty dữ liệu quốc tế, IBM, HP và Dell đều bán lại sản phẩm của Red Hat.
Ngoài mối quan hệ chặt chẽ với các hãng phần cứng, người mua còn ấn tượng bởi khả năng tài chính, nguồn lực kỹ thuật và cơ sở hạ tầng của Red Hat. Laura DiDio, nhà phân tích của Yankee Group, cho rằng chính suy thoái kinh tế đang giúp Red Hat duy trì vị thế của mình, vì thị trường bất ổn khiến các đơn vị công nghệ thông tin cẩn trọng hơn. "Cái tên Red Hat đã được nhiều người biết đến và đó là lợi thế", bà DiDio nói.
Theo Bill Claybrook, Giám đốc nghiên cứu của Aberdeen Group, Red Hat còn đi sát với những nhà sản xuất phần mềm độc lập như Oracle, BEA... để đảm bảo rằng sản phẩm của họ tương thích với dòng Linux.
Tuy nhiên, Red Hat không thể một mình một sân dù đang chiếm thế thượng phong. George Weiss - Phó chủ tịch của Gartner - khẳng định dòng Linux của Sun có khá nhiều lợi thế. Sun cung cấp hỗ trợ nguồn đơn (single-source support) cho cả phần cứng lẫn phần mềm và các chương trình ứng dụng chạy trên hệ điều hành Solaris có thể dễ dàng dùng với nền Linux.
Theo nhiều nhà phân tích, United Linux - liên minh giữa SuSE, SCO Group, Conectiva và Turbolinux - luôn là một đối thủ đáng gờm. So với Red Hat, United Linux tích cực hơn trong việc thay đổi các phiên bản hệ điều hành cho phù hợp với từng quốc gia. Chính vì thế mà phần lớn doanh số của hãng đến từ bên ngoài biên giới nước Mỹ.
Tại sao nhiều nhà sản xuất lại nhảy lên cỗ xe Linux đến vậy? Các công ty lớn như IBM, HP, Dell, Red Hat... thi nhau rót tiền cho sự phát triển của Linux dù bản thân nó không phải là sản phẩm sinh lời, do được bán theo dạng cấp phép nguồn mở (open source license).
Lý do đơn giản là khi người dùng mua Linux, họ cũng sử dụng luôn các sản phẩm phần cứng, phần mềm và dịch vụ sinh lời. Chẳng hạn, Red Hat thu lợi từ phần hỗ trợ và đào tạo trong khi các hãng phần cứng bán được máy chủ nhiều hơn. Ông Weiss cho rằng IBM hưởng lợi nhiều hơn bất cứ nhà sản xuất phần cứng nào vì Linux giúp hãng tăng doanh số cả phần cứng thông thường lẫn máy tính lớn và phần mềm doanh nghiệp như WebSphere.
Một đơn vị hưởng lợi nữa từ Linux là Intel. Theo ông Claybrook, HP và Dell đang chuyển những phần mềm ứng dụng cơ sở dữ liệu chạy trên nền RISC/Unix sang nền Intel/Linux. Nhiều chương trình và dịch vụ khác liên quan đến Unix cũng sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho nhà sản xuất chip trong vài năm tới. "Nơi Unix được dùng nhiều cũng là nơi Linux đang trở nên phổ biến", Claybrook nhận xét. "Vấn đề duy nhất là Linux không chín bằng Unix. Nhưng nó phát triển nhanh hơn bất kỳ hệ điều hành nào".
Tuy vậy, không phải ai cũng đồng ý với nhận định Linux sẽ đi xa hơn Unix trong thị trường máy chủ. DiDio gọi Unix là "pháo đài bất khả xâm phạm" và nghi ngờ khả năng người dùng sẽ thay thế nó bằng Linux. Bà cho rằng, dù Linux chạy trong máy chủ thông thường có đáng tin cậy đến đâu nhưng "không ai muốn là người đầu tiên" thử hệ điều hành này với các phần mềm ứng dụng quan trọng của mình.
Với thị trường máy tính để bàn, Linux cũng xâm nhập khá chậm chạp. Nhưng lý do của tình trạng này hoàn toàn khác: Linux không thúc đẩy doanh số những sản phẩm sinh lời dùng cho thiết bị loại này. Do đó, nó không nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phía các nhà sản xuất lớn. Ngoài ra, việc tranh cãi xem môi trường máy tính để bàn nào, GNOME hay KDE, sẽ trở thành hệ giao tiếp đồ hoạ chính của Linux vẫn chưa đến hồi kết thúc. Điều này cũng làm chậm quá trình phát triển của hệ điều hành.
Dù vậy, ông Claybrook vẫn cho rằng thị phần máy tính để bàn của Linux sẽ tăng 10-12% trong vài năm tới nhờ những cải tiến trong giao diện đồ hoạ và sự ra đời của các phần mềm ứng dụng như OpenOffice. "Các cơ quan chính phủ và cơ sở giáo dục sẽ là khách hàng chính", ông nói.
DiDio cũng đồng quan điểm với Claybrook vì bà cho rằng bệnh viện và trường học không muốn trả thêm phí cấp phép (license) cho Microsoft. Khảo sát mới đây của Yankee Group cho thấy 37% giám đốc công nghệ thông tin bực mình với kế hoạch cấp phép của nhà sản xuất phần mềm đến nỗi họ sẵn sàng chuyển sang dùng các sản phẩm khác như Corel, StarOffice, Linux...
Năm 2002 sắp kết thúc, hệ điều hành Linux đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường máy chủ thông thường - nơi nhiều nhà sản xuất có thể thu lời từ các sản phẩm và dịch vụ ăn theo. Trong tương lai, dù khả năng được cài đặt rộng rãi trong máy chủ cao cấp mờ nhạt nhưng Linux vẫn có thể rực sáng trong máy tính để bàn. Khi một loạt thiết bị mới trình làng trong những năm tới, ai biết rằng chiếc xe Linux phóng về đâu?
Minh Long (theo NewsFactor)