Ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BOJ) nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007. Động thái này được đánh giá là bước ngoặt lịch sử với chính sách tiền tệ nước này. Các mức lãi suất ngắn hạn hiện tại là 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin được công bố chính thức, yen Nhật mất giá so với các tiền tệ khác. Một ngày sau, giá yen xuống thấp nhất 16 năm so với euro và 4 tháng so với USD.
Hiện tại, một tuần sau quyết định trên, yen vẫn đang yếu đi. Giá đồng tiền này đang là 151,2 yen đổi một USD, tiến sát đáy 32 năm so với đôla Mỹ.
Trong buổi họp báo hôm 25/3, Thứ trưởng Tài chính Masato Kanda cho rằng diễn biến gần đây của yen có dấu hiệu "đầu cơ". Ông khẳng định sẵn sàng có chính sách phù hợp với việc này và không loại trừ phương án nào.
Đồng yen yếu là cơ hội tăng lợi nhuận cho các hãng xuất khẩu Nhật Bản. Tuy nhiên, các hộ gia đình có thể gặp khó khi chi phí nhập khẩu tăng cao.
Theo giới phân tích, dưới đây là các nguyên nhân khiến yen Nhật mất giá:
Yen đã tăng giá từ trước đó
Quyết định của BOJ đã được dự báo rộng rãi từ trước đó, đặc biệt sau các số liệu lạm phát và tiền lương. Lạm phát tại Nhật Bản vượt mục tiêu 2% hơn một năm qua. Trong cuộc đàm phán lương hồi đầu tháng, các công ty lớn nhất nước này cũng đồng ý tăng lương lên mức cao nhất 33 năm cho người lao động.
"Sự việc này quá dễ đoán. Thị trường đã phản ánh diễn biến này từ trước đó rồi", Patrick Hu, chuyên viên giao dịch tiền tệ tại Citi (Singapore), nhận định. Vì thế, khi thông báo chính thức phát ra, yen không còn đà tăng. Đồng tiền này đã giảm hơn 1% trong ngày 19/3.
Giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ
Yen hiện là tiền tệ có lãi suất thấp nhất trong nhóm G10 (gồm các nền kinh tế công nghiệp lớn). Việc này khiến yen trở thành mục tiêu lý tưởng cho hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ). Đây là giao dịch đi vay bằng tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó bán ra để mua tiền tệ lãi suất cao hơn. Số tiền này sau đó có thể được gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư.
Dù BOJ đã nâng lãi suất, mức hiện tại vẫn rất thấp so với các nền kinh tế lớn khác. Lãi suất tại Mỹ hiện quanh 5,25-5,5%. Trong khi đó, con số này tại Liên minh châu Âu là 4%.
Bên cạnh đó, hầu hết ngân hàng trung ương lớn tuần trước quyết định giữ nguyên lãi, thay vì giảm. Vì vậy, chênh lệch lãi suất vẫn rất đáng kể.
Nhà đầu tư cho rằng BOJ sẽ không nâng lãi nhanh, khiến carry trade vẫn hấp dẫn. Nhiều người giảm carry trade trước khi cuộc họp của các ngân hàng trung ương diễn ra, và sau đó đã giao dịch trở lại.
Dòng tiền chảy ra nước ngoài
Lãi suất tại Nhật Bản ở mức thấp kỷ lục suốt nhiều năm, khiến các nhà đầu tư lớn của nước này để tài sản ở nước ngoài nhằm có lợi nhuận cao hơn. Điều này khiến yen không được hưởng lợi từ dòng tiền chảy về nước. Nhà đầu tư Nhật Bản hiện sở hữu hàng nghìn tỷ USD trái phiếu và tiền tệ nước ngoài.
Japan Post Bank và Japan Post Insurance hai cái tên thuộc nhóm công ty tài chính lớn nhất Nhật Bản tuyên bố danh mục đầu tư sẽ không thay đổi nhiều, dù BOJ chuyển hướng chính sách.
Rủi ro can thiệp
Tỷ giá hiện tại rất gần với mốc 151,94 yen một USD đạt được cuối năm 2022. Đây là mốc khiến giới chức Nhật Bản khi đó phải can thiệp để kéo giá yen lên.
Các thị trường luôn lo ngại mốc 152 yen, dù giới chức khẳng định họ không có mốc giá cụ thể nào để can thiệp. Họ chỉ có động thái nếu đánh giá có dấu hiệu đầu cơ.
"Rất nhiều người cho rằng mốc 152 là đáng chú ý. Tuy nhiên, tình hình hiện tại phức tạp hơn, đặc biệt khi USD không ở trong trạng thái bong bóng như cuối năm 2022 nữa. Rủi ro hiện tại là Bộ Tài chính Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ yen, nhưng không mấy thành công. Khi đó, triển vọng với yen và các tiền tệ khác sẽ càng thiếu chắc chắn", các nhà phân tích tại HSBC cảnh báo.
Hà Thu (theo Reuters)