Từ Hiểu Đông đánh gục võ sư Thái Cực Quyền Ngụy Lôi sau 10 giây đối kháng
Sự việc võ sư Thái Cực Quyền Trung Quốc Ngụy Lôi mới đây thách đấu võ sĩ trường phái tự do (MMA) Từ Hiểu Đông và bị đánh bại chỉ sau 10 giây thượng đài đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và giới luyện võ.
Thất bại chớp nhoáng của Ngụy Lôi cũng như tuyên bố hùng hồn mà Từ Hiểu Đông đưa ra, nói võ thuật truyền thống Trung Quốc đã lỗi thời và trong thực chiến, phong cách đấu tự do hoặc quyền anh chiếm ưu thế hơn hẳn, nhanh chóng thổi bùng một làn sóng tranh cãi gay gắt.
Các cao thủ võ thuật Trung Quốc lập tức lên tiếng phản đối, cho rằng Từ "có định kiến nặng nề về võ thuật truyền thống". Ít nhất 4 cao thủ võ truyền thống đã thách đấu Từ để cho anh này thấy "thế nào là sức mạnh của Thái Cực Quyền và võ thuật truyền thống chân chính", theo South China Morning Post.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đồng tình với lý lẽ của Từ. Họ lập luận rằng nếu uy lực đến vậy, tại sao không võ sĩ MMA nào chọn võ truyền thống Trung Quốc để luyện tập và thi thố tại các giải đấu thế giới.
Thất truyền
Võ sư Trung Quốc luyện tập với hình nhân gỗ
Từ xa xưa, những người đứng đầu các môn phái võ thuật Trung Quốc đã luôn có ý niệm về việc phải giữ bí mật mọi bí quyết, tuyệt kỹ trong môn võ mà mình theo đuổi, không được truyền ra bên ngoài, đặc biệt đối với người nước ngoài. Với suy nghĩ này, đa phần các bậc thầy võ thuật Trung Quốc xưa đều không tiếp nhận đệ tử hoặc chỉ thu nhận đệ tử ở số lượng cực kỳ hạn chế. Chính vì thế, theo thời gian, môn võ của họ dần mai một, kỹ năng cũng không thể phát triển bởi thiếu người kế thừa.
Theo một số tài liệu, Lý Tiểu Long dù là một kỳ tài võ thuật nổi tiếng khắp thế giới nhưng ông vẫn bị sư phụ Diệp Vấn từ mặt vì trái lời thầy căn dặn. Trước khi Lý Tiểu Long sang Mỹ, sư phụ Diệp Vấn đã dặn ông không dạy môn võ Vịnh Xuân Quyền cho người nước ngoài bởi đây là kỹ thuật tinh vi nhất của người Trung Quốc. Tuy nhiên, không lâu sau khi đến Mỹ, Lý Tiểu Long lại mở võ đường dạy Vịnh Xuân Quyền cho các môn sinh nước ngoài, khiến sư phụ Diệp Vấn thất vọng.
Suy nghĩ trên không phải là hiếm trong giới luyện võ Trung Quốc, theo tạp chí Vice. Trong một bài tiểu luận hồi năm ngoái bàn về di sản văn hóa phi vật thể và võ thuật truyền thống, giáo sư Ben Judkins từ Đại học Cornell, Mỹ, đã đi tìm nguyên nhân vì sao võ thuật truyền thống Trung Quốc ngày càng kém thịnh hành và ít người lựa chọn trong thực chiến.
Theo Judkins, những điều kiện gắt gao mà các cao thủ võ thuật Trung Quốc đặt ra khi lựa chọn đệ tử là một phần lý do dẫn đến việc môn võ của họ không thể được truyền bá rộng rãi.
Nhà làm phim người Mỹ Patrick Daly từng hỏi các cao thủ võ thuật Trung Quốc tiêu chí lựa chọn đệ tử chân truyền và nhận được câu trả lời rằng hầu hết họ chỉ truyền võ thuật thực thụ cho những đệ tử theo mình ít nhất 10 năm nhằm hiểu rõ tính cách người đệ tử ra sao cũng như để đảm bảo rằng họ sẽ không gây ra rắc rối.
Daly là tác giả bộ phim tài liệu có tựa đề "Needle Through Brick", kể câu chuyện về những thăng trầm của võ thuật truyền thống Trung Quốc trên đảo Borneo, hòn đảo lớn nhất châu Á và lớn thứ ba thế giới.
Khi được hỏi liệu họ có thể thay đổi cách lựa chọn và huấn luyện cơ bản đệ tử hay không, tất cả các cao thủ võ thuật Trung Quốc mà Daly phỏng vấn đều nói "không", bởi theo họ, tinh túy của môn võ nằm ở quá trình học và luyện tập gian khổ nên "không thể dạy dỗ một cách đúng đắn nếu mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn".
Mặt khác, các cao thủ cho biết kể cả muốn thay đổi phương pháp, họ cũng không thể làm vậy vì đã lập lời thề và buộc phải tiếp tục dạy theo cách mà sư phụ họ đã dạy. "Đây là cách chúng tôi thể hiện sự tôn trọng đối với sư phụ mình", một người nói.
Mặt khác, các cao thủ võ thuật truyền thống Trung Quốc tuân thủ những phương pháp luyện tập khắc khổ cổ xưa cùng tiêu chí khắt khe về thời gian bởi họ tin rằng chúng sẽ giúp xây dựng nên một võ sư chân chính, có kỷ luật, đạo đức, trách nhiệm và tinh thần mạnh mẽ, Judkins và Daly nhận định.
"Các cao thủ võ thuật truyền thống Trung Quốc luôn tìm kiếm những cậu bé mới chỉ 5 tuổi nhưng sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ, dấn thân vào một guồng quay luyện tập vô cùng khắc nghiệt, bởi chỉ nhờ thế, khi bước vào những năm tuổi 20, họ mới đủ cứng rắn để tiếp tục tiến từ 'võ cứng' sang 'võ mềm'. Và khi đến tuổi 40, cậu bé năm nào mới có thể được thừa nhận như một cao thủ võ thuật chân chính", cây bút Sascha Matuszak từ Vice bình luận. Vì quá trình luyện tập quá dài lâu và gian khổ, rất ít người có thể đi đến cuối con đường.
Không phù hợp
MMA là viết tắt của võ tổng hợp. Người theo MMA sẽ phải học cùng lúc nhiều môn võ khác nhau. Khi giao đấu, họ có thể dùng bất kỳ môn võ nào, không ràng buộc về chiêu thức.
Đối với MMA, thành thục môn vật và đánh dưới sàn gần như là yêu cầu bắt buộc. Trên sàn đấu MMA, các võ sĩ thường tìm cách ép đối thủ nằm xuống đất rồi tấn công liên tục như những gì Từ làm với Ngụy Lôi. Hoặc họ cũng có thể dùng các đòn khóa và siết, buộc đối thủ đầu hàng.
Trong khi đó, võ thuật Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các đòn thế tay và chân. Dù tương đối linh hoạt và hiểm hóc song với kiểu đánh này, khi bị đối phương áp sát hay vật xuống sàn, các võ sư luyện võ thuật Trung Quốc khó lòng phản kháng lại bởi họ không thể tung đòn, chuyên gia đánh giá.
Ngoài ra, một số luật lệ quy định trong những trận đấu MMA cũng là điểm bất lợi đối với các môn võ thuật Trung Quốc, một người dùng trên mạng Quora bình luận. Trong một trận đấu thuộc giải Vô địch Đối kháng Đỉnh cao (UFC), võ sĩ bị cấm đá, lên gối hoặc giẫm vào đầu khi đối thủ đã ngã. Điều này mang đến lợi thế vô cùng lớn cho các tay vật nhưng lại là điểm bất lợi đối với các võ sư Trung Quốc.
Mặt khác, theo những chuyên gia am hiểu vấn đề, các cao thủ võ thuật Trung Quốc thật sự thường khiêm nhường và rất ít khi tham gia vào những trận đấu tay đôi. Vì thế, người ta hiếm khi có cơ hội chứng kiến họ phô diễn kỹ thuật trong thực chiến.
Vũ Hoàng