Dễ nhận thấy doanh số giữa hai thị trường là không hề kém cạnh, khoảng cách năm 2022 là khoảng 3.000 xe, tức mỗi tháng cỡ 250 xe, khá nhỏ. Theo Marklines, năm 2022, Vios đứng thứ 7 về doanh số tại Thái Lan, trong khi Vios tại Việt Nam đứng đầu thị trường. Vios tại Thái Lan còn bán ít hơn Fortuner, Yaris, Hilux, trong khi tại Việt Nam là gà "mắn đẻ" nhất của hãng xe Nhật.
Trước đây, khi có tin Vios đang "clear stock" (xả hàng tồn) để chuẩn bị đón bản mới, tôi đã rất chờ đợi, vì thấy thế hệ mới ra mắt tại Thái Lan hồi tháng 8/2022 quá đẹp, cứng cáp, nhìn như Camry thu nhỏ một chút. Tháng 5 chúng ta đón bản mới, tức là sau gần 10 tháng so với Thái Lan, nhưng chỉ là một bản facelift (nâng cấp giữa vòng đời), chứ không phải thế hệ mới như nước bạn. Về thiết kế thì không cần phải nói nhiều, nhìn hình là rõ.
Bạn có thể thích hoặc không thích một thiết kế nào đó, nhưng rõ ràng về triết lý và hình học tương đối, thì khó lòng phủ nhận.
Điều đáng nói là, tôi thử tìm ảnh xe Vios, hoặc tên khác là Yaris Ativ ở các thị trường khác, thì tuyệt nhiên không thấy thị trường nào như ở Việt Nam. Thị trường Việt Nam bán Vios nhiều không kém Thái Lan, tôi không hiểu vì sao hai thị trường lại không có cùng một kiểu ra mắt sản phẩm mới.
Không chỉ thiết kế, một bản nâng cấp còn có cả các tính năng. Vios tại Thái Lan có bộ Toyota Safety Sense "full nóc", nhưng Vios mới ở ta chỉ có hai công nghệ trong TST, là cảnh báo va chạm và lệch làn.
Tóm lại, nghĩ mãi, tôi vẫn không hiểu, vì sao khách mua ôtô ở Việt Nam luôn phải đi sau các nước trong khu vực?
Nhờ độc giả thông thái cho tôi xin câu trả lời!
Độc giả Tống Khanh