Hiện ngành logistics toàn cầu đang vật lộn với tình trạng thiếu vỏ container. Do Covid-19, việc giải phóng, quay vòng container rỗng bị đình trệ, trong khi nhu cầu xuất hàng đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến khiến container bị khan hiếm trầm trọng. Ba tháng nay, giá thuê container đã tăng liên tục, gấp từ 2 đến 10 lần. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc tăng giá cước vận tải khiến xuất khẩu gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho cao, thậm chí có đơn vị phải phá sản.
Để tháo gỡ tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, tại sao Việt Nam không tự sản xuất container?
Được Malcolm McLean phát minh từ những năm 30 của thế kỷ trước, container là một sáng tạo lớn của ngành logistics, giúp tiêu chuẩn hóa hoạt động vận tải bằng việc đặt ra một kích cỡ chuẩn để đóng gói, xếp dỡ hàng hóa. Hàng hóa được tập kết, đóng vào container ở những địa điểm khác nhau và chuyển đến cảng. Do cùng kích thước, việc chất xếp lên tàu biển nhanh hơn, có thể chồng lên nhau nhiều tầng giúp vận chuyển được nhiều hàng hơn. Khi dỡ xuống, container cũng dễ đặt lên toa tàu hỏa hoặc rơ-mooc để tiếp tục vận chuyển đến điểm đích.
Do tính ưu việt của container, ngành đóng tàu đã cho ra đời các con tàu chuyên để chở container, và cũng hình thành những bến cảng chuyên bốc dỡ loại hàng này. Thương mại quốc tế gia tăng, số lượng container được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều.
Vậy ai là chủ sở hữu của những container này?
Thứ nhất là các hãng tàu. Họ vận chuyển và cũng cung cấp luôn container cho khách để đóng hàng như một giá trị tăng thêm của dịch vụ vận chuyển. Các hãng tàu như Maersk, MSC, COSCO, CMA CGM, Hapag-Lloyd, ONE, Evergreen... cũng là những doanh nghiệp lớn nên mới có thể sở hữu nhiều container và có bộ phận chuyên trách để quản lý chúng ở khắp nơi trên thế giới.
Nhóm thứ hai là các công ty cho thuê container. Các công ty này không sở hữu tàu mà chỉ sở hữu container, cho các hãng tàu cũng như các khách hàng riêng lẻ thuê lại. Các công ty cho thuê container lớn trên thế giới như Textainer (TEX), Triton, CAI, Florens, Seaco, SeaCube, Beacon... và số container của họ không hề nhỏ, chiếm từ 40% đến 50% toàn thị trường.
Một số công ty dịch vụ logistics, vận tải đường bộ, đường sắt cũng có container của mình, nhưng số lượng rất ít và thường để đa dạng hóa dịch vụ, đồng thời qua đó quảng bá thương hiệu của công ty. Ở Việt Nam, Vinafco, Ratraco, Bưu điện Việt Nam... thuộc nhóm này.
Tại sao các doanh nghiệp sản xuất (chủ hàng) lại không sở hữu container?
Container là một loại bao bì dùng chung, nó chỉ có thể phát huy tác dụng khi được tái sử dụng, quay vòng nhiều lần. Nếu một container sau khi xuất khẩu sang châu Âu, chủ hàng lại mất chi phí để vận chuyển chúng về Việt Nam để đóng lô hàng khác, vừa mất thêm chi phí vận chuyển, vừa mất thời gian chờ đợi, chưa kể chi phí đầu tư ban đầu để mua container. Còn nếu phải lo đi tìm bạn hàng khác để tận dụng đóng hàng chiều về thì họ đã "lấn sân" sang làm dịch vụ logistics, tức là trái ngành, thường không mang lại hiệu quả.
Giá bán một container mới hiện khoảng 4.000-5.000 USD. Đến nay, các nhà sản xuất từ Trung Quốc đảm nhiệm phần lớn lượng cung ứng container trên toàn cầu. Có 6 công ty Trung Quốc đã chiếm 90% sản lượng container toàn cầu, trong đó CIMC (có trụ sở tại Thâm Quyến) chiếm đến một nửa.
Tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container (không tính các doanh nghiệp làm dịch vụ), nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.
Theo lãnh đạo một trong những doanh nghiệp nói trên, việc đóng mới container hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam nhưng có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất.
Container là mặt hàng tương đối đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn trong khi số khách hàng lại không nhiều. Quan trọng hơn, khác với khẩu trang - mặt hàng mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhanh chóng dễ dàng chuyển dịch khi khan hiếm, sản xuất container cần số vốn lớn để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu và nhân công.
Các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này hiện đều là quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên họ phải chấp nhận việc cải tạo, sửa chữa container và sản xuất thêm những mặt hàng cơ khí khác như rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc để tồn tại.
Nguyên liệu sản xuất container chủ yếu là sắt thép mà Việt Nam nằm trong số 14 nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã hoàn thiện toàn bộ quy trình của chuỗi cung ứng thép, sao lại không tự sản xuất được container?
Trả lời việc này, lãnh đạo một doanh nghiệp thép có sản lượng lớn hiện nay thừa nhận việc sản xuất container không khó, nhưng doanh nghiệp của ông hiện chỉ muốn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là sản xuất thép. Container là một trong rất nhiều sản phẩm có sử dụng thép, và công ty không thể dàn trải chạy theo tất cả những sản phẩm đó.
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi tại sao Việt Nam chưa sản xuất container phần nào đã rõ: Các doanh nghiệp muốn sản xuất container thì quy mô, năng lực hiện còn quá nhỏ còn doanh nghiệp có khả năng thì chưa thấy đủ động lực tham gia.
Nhìn lại năm 2020, Covid-19 đã tạo nên cơn sốt đầu tư sản xuất khẩu trang và trang thiết bị y tế. Đến giờ nhiều nhà sản xuất khẩu trang theo kiểu "lướt sóng" đã ngậm ngùi giải tán, nhưng một số doanh nghiệp đã trụ lại và vươn lên được. Covid-19 giúp chúng ta nhìn thấy cơ hội từ những điều bình thường trước đây chưa từng nghĩ đến.
Khi Vingroup bước vào sản xuất máy thở, chỉ trong vòng hơn một tháng, mọi thủ tục và công tác chuẩn bị đã hoàn tất để chiếc máy thở "made in Vietnam" có thể ra đời.
Liệu sẽ có một quyết định táo bạo tương tự như vậy, từ một doanh nghiệp của Việt Nam có đủ năng lực để giúp ghi tên Việt Nam vào bản đồ những nước sản xuất và xuất khẩu container.
Trần Thanh Hải