28. Giải quyết tranh chấp
Chương này sẽ giúp đỡ các bên giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định TPP. Các bên sẽ giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn, và khi cần thiết có thể thông qua các Ban hội thẩm công bằng, không thiên vị. Cơ chế giải quyết tranh chấp đề ra trong chương này áp dụng cho toàn bộ Hiệp định TPP, trừ một số ít trường hợp đặc biệt. Người dân có thể theo dõi tiến trình tố tụng từ thời điểm các bản đệ trình được công bố, theo dõi phiên điều trần và xem báo cáo cuối cùng của các Ban hội thẩm.
Các Ban hội thẩm cũng sẽ cân nhắc các yêu cầu từ các đơn vị phi chính phủ tại các nước đang xảy ra tranh chấp, nếu họ muốn hội đồng cung cấp quan điểm về vụ tranh chấp. Các nước TPP sẽ nỗ lực hết sức nhằm giải quyết tranh chấp thông qua hợp tác và tham vấn, được khuyến khích sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp khác nếu phù hợp. Trong trường hợp tham vấn thất bại, các bên có thể yêu cầu thành lập một Ban hội thẩm, được thành lập trong vòng 60 ngày kể từ khi có yêu cầu tham vấn hoặc 30 ngày đối với hàng hóa mau hỏng.
Ban hội thẩm sẽ gồm 3 chuyên gia độc lập về thương mại quốc tế, có liên quan tới lĩnh vực tranh chấp. Ban này sẽ tuân theo một quy tắc ứng xử chung nhằm đảm bảo tính thống nhất của cơ chế giải quyết tranh chấp. Ban hội thẩm sẽ có báo cáo ban đầu trong 150 ngày kể từ khi thành viên cuối cùng của Ban được chỉ định hoặc 120 ngày trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như trường hợp liên quan tới các hàng hóa dễ hỏng. Báo cáo ban đầu này sẽ là báo cáo mật và các bên có thể nhận xét bổ sung. Báo cáo cuối cùng sẽ được hoàn thành trong vòng 30 ngày kể từ ngày có báo cáo ban đầu và phải được công bố trong vòng 15 ngày, nhưng các thông tin mật sẽ được giữ kín. Để đảm bảo các bên sẽ tuân thủ, TPP cho phép sử dụng trả đũa thương mại (ví dụ như ngừng không cho hưởng lợi ích), nếu một bên không tuân thủ nghĩa vụ của mình. Trước khi sử dụng biện pháp trả đũa thương mại, bên không tuân thủ có thể thảo luận hoặc yêu cầu một khoảng thời gian hợp lý để khắc phục các vi phạm của mình.