19. Lao động
Tất cả các thành viên TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và thừa nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy các quyền lao động đã được công nhận trên quốc tế. Trong TPP, các thành viên đồng ý thông qua và duy trì trong luật pháp nước mình các quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của ILO, đó là quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Các nước cũng đồng ý có luật quy định mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Những cam kết này áp dụng cả với các khu chế xuất.
12 nước đồng ý không miễn trừ hoặc giảm hiệu lực của luật lệ quy định việc thực thi các quyền cơ bản của người lao động để thu hút thương mại hoặc đầu tư, và sẽ thực thi hiệu quả luật liên quan đến lao động một cách bền vững hoặc đều đặn. Bên cạnh các cam kết xóa bỏ lao động cưỡng bức trong nước mình, chương này bao gồm cả những cam kết không khuyến khích nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em, hoặc sử dụng sản phẩm đầu vào được sản xuất bằng lao động cưỡng bức, bất kể xuất xứ. Mỗi nước đều cam kết bảo đảm khả năng tiếp cận với hệ thống thủ tục hành chính và tư pháp công bằng, không thiên vị, minh bạch và sẽ cung cấp các biện pháp khắc phục hiệu quả những hành vi vi phạm luật lao động. Các nước cũng đồng ý để người dân tham gia thực thi các quy định trong mục này, bao gồm việc xây dựng cơ chế tiếp nhận ý kiến đóng góp và đáp ứng các yêu cầu về thông tin.
Các cam kết tại chương này là đối tượng điều chỉnh của các thủ tục giải quyết khiếu nại quy định tại chương Giải quyết tranh chấp. Để thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề về lao động giữa các thành viên TPP, chương này cũng xây dựng cơ chế đối thoại để các nước giải quyết vấn đề lao động với nhau. Cơ chế này cho phép xem xét nhanh các vấn đề, giúp các nước cùng nhất trí với chương trình hành động để xử lý.